Động lực mới cho Việt Nam vươn mình

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cải cách thể chế và pháp luật là chìa khóa then chốt cho sự phát triển bền vững và bứt phá của Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc và đất nước tự hào với những thành tựu đạt được sau gần 40 năm đổi mới, bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình" (đăng trên các báo ngày 4-5) đã vạch ra một tầm nhìn chiến lược với tư duy đổi mới mạnh mẽ.

Pháp luật kiến tạo, thể chế đột phá

Bài viết không chỉ khẳng định thành công mà còn thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật và công tác thi hành. Từ đó, Tổng Bí thư đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, tập trung vào 5 vấn đề cốt lõi: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và ứng dụng công nghệ hiện đại, nhằm khơi thông mọi nguồn lực, đưa Việt Nam vươn lên tầm cao mới.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi một sự chuyển đổi căn bản trong tư duy xây dựng pháp luật. Thay vì cách tiếp cận "không quản được thì cấm", pháp luật cần được xây dựng theo hướng kiến tạo phát triển, khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải đơn giản, ổn định, minh bạch, dễ thực thi, đồng thời thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng và tiếp thu tinh hoa pháp lý nhân loại. Tư duy đột phá này cũng xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên như tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và đặc biệt là khoa học - công nghệ - chìa khóa cho Việt Nam nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao danh hiệu Anh hùng Lao động đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30-4. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm trao danh hiệu Anh hùng Lao động đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30-4. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những điểm nghẽn hiện hữu như sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định, thủ tục hành chính rườm rà, chi phí tuân thủ cao đang cản trở sự phát triển. Mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị là rất tham vọng: Đến năm 2025, cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý; đến năm 2027, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình chính quyền 3 cấp; và đến năm 2028 đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Giải pháp trọng tâm là tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục và trao quyền linh hoạt hơn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định các vấn đề thực tiễn biến động nhanh, giảm tải cho Quốc hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Bên cạnh xây dựng, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật - khâu thường được xem là yếu nhất. Tư duy đột phá ở đây là xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật, nơi Hiến pháp và pháp luật là chuẩn mực ứng xử phổ biến. Đội ngũ cán bộ, công chức phải chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hành động vì lợi ích chung. Việc thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật, ứng dụng công nghệ để nhận diện, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp là cần thiết để pháp luật đi vào cuộc sống, củng cố niềm tin xã hội.

Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào quản trị pháp luật là bước đi đột phá. Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong rà soát văn bản quy phạm pháp luật sẽ nâng cao hiệu quả quản trị, giúp pháp luật thích ứng nhanh hơn. Đặc biệt, việc thành lập quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật và áp dụng chế độ thù lao đặc thù theo Nghị quyết 66-NQ/TW để thu hút nhân tài là một cách tiếp cận rất mới, hiện đại, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật trình độ cao.

Cuối cùng, yếu tố then chốt, mang tính định hướng là vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng. Đảng không chỉ định hướng thể chế hóa chủ trương thành pháp luật mà còn tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Việc xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu các cấp.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự là một định hướng chiến lược và một lời hiệu triệu hành động mạnh mẽ. Những tư duy và giải pháp đột phá được nêu ra không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề nội tại, khơi thông nguồn lực phát triển mà còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

TRỊNH MINH GIANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-luc-moi-cho-viet-nam-vuon-minh-196250505222201301.htm