Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông- Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I)

Ngày 3/8, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông- Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kiểm tra tiến độ xây dựng dự án đoạn qua địa bàn huyện Nho Quan.

Tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan, các nhà thầu thi công.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông -Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 12/5/2021, với quy mô xây dựng quy mô trước mắt 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc - Nam đầu tư với quy mô 8 làn xe. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện đủ 8 làn xe. Tổng chiều dài 22,95 km. Tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng.

Dự án được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 91/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 với tổng mức đầu tư 1.913,7 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án phát sinh điều chỉnh chỉ do chi phí GPMB tăng; về quy mô dự án, quy mô GPMB không thay đổi, quá trình thực hiện điều chỉnh dự án từ nhóm B lên nhóm A không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, chủ đầu tư dự án đã báo cáo về tình hình thực hiện dự án. Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 20,2/22,9 km. Trong đó, địa phận thành phố Tam Điệp đã bàn giao được được 6,627/6,627 km; Địa phận huyện Nho Quan đã bàn giao được 13,64/16,3 km đất nông nghiệp (đạt khoảng 83,66% diện tích GPMB). Tuy nhiên trên diện tích bàn giao ở cả 2 địa phương vẫn còn một số vướng mắc.

Về công tác thi công xây lắp, dự án được khởi công từ tháng 3/2022, đến nay các hạng mục công việc chủ yếu đang tổ chức thi công toàn bộ mặt bằng được bàn giao bao gồm phần nền đường, thi công cầu, cống… Giá trị thi công xây lắp thực hiện ước đạt: 75,0 tỷ đồng/735,391 tỷ đồng.

Với mục tiêu phấn đấu thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến trong năm 2023, chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung vật tư, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ với các mũi thi công. Đồng thời, đề nghị các địa phương sớm hoàn thành công tác GPMB và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư làm cơ sở để chỉ đạo thi công; Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, thống nhất chủ trương thực hiện đánh giá tác động môi trường sau điều chỉnh dự án.

Lãnh đạo các địa phương được thụ hưởng dự án thể hiện quyết tâm cao trong công tác thực hiện dự án. Đồng thời, đã báo cáo với đoàn công tác về tiến độ, thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của chủ đầu tư và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Riêng đối với thành phố Tam Điệp đã báo cáo về 2 dự án liên quan đến Dự án xây dựng tuyến đường Đông- Tây là dự án xây dựng đường Đồng Giao; tình hình sử dụng tuyến đường gom của đường Cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 trên địa bàn.

Các nhà thầu thi công cũng đã báo cáo tiến độ thực hiện dự án, trên tinh thần hết năm 2023 sẽ thông xe kỹ thuật, các nhà thầu thi công đang nỗ lực rất cao để giải quyết những khó khăn trong công tác thi công, mỏ vật liệu đắp nền đường, điều kiện thi công còn thiếu đường công vụ chở vật liệu… đề nghị các địa phương phối hợp với nhà thầu để giải quyết tạm thời mặt bằng phục vụ thi công. Nếu có đủ mặt bằng các nhà thầu sẽ tập trung máy móc, nhân lực, tăng ca để hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm nay.

Các thành viên trong đoàn đã tham gia ý kiến về những vướng mắc trong công tác GPMB ở địa phương như việc xác định nguồn gốc đất ở, thủ tục giao đất trong GPMB, mỏ nguyên liệu phục vụ thi công; một số việc phối hợp giữa các địa phương với chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phải chặt chẽ hơn để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công và quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn đề nghị đối với huyện Nho Quan cần đẩy nhanh giao đất tái định cư, tổ công tác của tỉnh tích cực hỗ trợ để huyện tháo gỡ khó khăn GPMB, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng đất nông nghiệp cho nhà thầu thi công.

Đối với thành phố Tam Điệp, bố trí nguồn lực để triển khai tiếp dự án xây dựng đường Đồng Giao; các ngành tập trung phối hợp với các địa phương giải quyết thấu đáo những vướng mắc trong GPMB trên địa bàn đảm bảo quyền lợi của nhân dân và quy định của pháp luật hiện hành;

Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho UBND tỉnh để cấp ngân sách cho huyện Nho Quan chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB cho người dân.

Liên quan đến tuyến đường Cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 thành phố Tam Điệp kiểm tra chi tiết, báo cáo bằng văn bản để tỉnh đề nghị với chủ đầu tư dự án duy tu, bảo dưỡng công trình đảm bảo an toàn khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại hiện trường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã đánh giá cao hai địa phương là huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp, chủ đầu tư, các ngành liên quan và các nhà thầu thi công đã nỗ lực triển khai, hoàn thành công việc có khối lượng rất lớn trong thời gian qua.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với thành phố Tam Điệp.

Đồng chí nêu rõ, thông thường những dự án nhóm A sẽ có thời gian thực hiện trong 5 năm, nhưng đã rút ngắn thời gian thực hiện trong 3 năm. Bởi đây là dự án đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là công trình trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Khi Ninh Bình triển khai dự án xây dựng tuyến đường Đông- Tây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đánh giá rất cao bởi dự án không chỉ có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà sẽ là tuyến đường kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường QL1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam...; mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng Đồng bằng sông Hồng…góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông quốc gia.

Xác định tầm quan trọng của dự án, do vậy ngay từ khi triển khai, các ngành, địa phương có liên quan đã thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Các công việc được phân công cụ thể rõ người, rõ việc, rõ thời gian với tốc độ cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Trong chuyến công tác mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao những nỗ lực này của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Với tinh thần đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa vì sự phát triển của tỉnh. Cụ thể, đồng chí yêu cầu đối với công tác GPMB, các ngành có liên quan phải vào cuộc tích cực hơn để phối hợp với địa phương giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở sao cho đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân nhưng phải đúng với quy định của pháp luật và phải kiên quyết, công bằng, không để dây dưa kéo dài.

Về tiến độ thực hiện, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh để chậm nhất ngày 5/9 phải có Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án. Thống nhất quan điểm đến ngày 31/12/2023 tiến hành thông tuyến. Do vậy, tỉnh sẽ bố trí kinh phí ưu tiên tối đa cho phần xây lắp.

Đối với dự án có liên quan là đường Đồng Giao cần đẩy nhanh tiến độ thi công để kết nối với cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45, tạo động lực thu hút đầu tư tại địa phương.

Mặc dù dự án đang được triển khai nhưng đã có những tín hiệu rất tốt từ các nhà đầu tư chiến lược. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng, trên tinh thần dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung của tỉnh, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đoàn kết, nỗ lực cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo thêm động lực quan trọng để Ninh Bình xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có chiến lược phát triển hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, mở ra dư địa thu hút đầu tư, sớm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn- Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dong-chi-chu-tich-ubnd-tinh-kiem-tra-tinh-hinh-trien-khai-du/d20230803151714275.htm