Dòng chảy pháp luật 2020: Dùng hoạt động kiểm tra để né thanh tra

Tại hội thảo công bố Báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020' tổ chức ngày 12/1, một số ý kiến cho rằng tư duy cũ vẫn 'thấp thoáng' trong pháp luật kinh doanh, thậm chí dùng hoạt động kiểm tra để né thanh tra vẫn tiếp diễn…

Bài liên quan

Không quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp

Nghị định đầu tiên của năm 2021 gỡ khó cho doanh nghiệp

Hội thảo Công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020. Ảnh: Khánh Linh

Tư duy cũ vẫn thấp thoáng trong pháp luật kinh doanh

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thống kê của VCCI trong năm 2020 cho thấy, 55% kiến nghị của đơn vị này gửi tới Chính phủ được tiếp “tiếp thu” cho thấy sự cầu thị của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nơi mới dựng lại ở giải đáp chứ chưa giải quyết mà chỉ dẫn lại văn bản chứ chưa đưa ra sáng kiến điều chỉnh, sửa đổi.

Cùng với những điểm sáng trong pháp luật kinh doanh thì hoạt động xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế xuất phát từ tư duy và cách làm cũ trong soạn thảo và ban hành. Vị này nhấn mạnh rằng “tư duy cũ vẫn thấp thoáng trong pháp luật kinh doanh”.

Chưa kể việc gia nhập thị trường còn nhiều khúc mắc trong công tác ban hành Luật và chưa đảm bảo tính tiên phong trong phát triển kinh tế số. Ví dụ như giấy phép con trong kinh doanh vào vận tải, kiểm tra vào quyền định giá của doanh nghiệp.

“Xã hội hóa dịch vụ công triển khai tương đối chậm, có một số lĩnh vực có chủ trương mở ra nhưng chưa có con đường để thực hiện, do đó thời gian tới cần có chính sách vì nguồn lực và trí tuệ trong dân là vô tận mà Nhà nước không tốn chi phí cho lĩnh vực này mà quan trọng ở nhà nước là thể chế”, ông Lộc nhận định. Ngoài ra, không chỉ những văn bản đã ban hành trong năm 2020 mà những quy định ban hành trước đó vẫn có nhiều bất cập, gây chồng chéo trong kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số.

Trước thực trạng này, VCCI đã công bố khá nhiều bất cập và kiến nghị bởi kinh tế số là một năng lực cạnh tranh mới trong khi ở Việt Nam “thể chế pháp lý đang chậm chân trong công cuộc phát triển kinh tế số”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Dùng hoạt động kiểm tra để né thanh tra

Còn ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp.

“Tuy chưa thực sự minh bạch và hợp lý, nhưng các quy định về của Luật Thanh tra cũng đã giúp tránh sự tùy tiện hoặc lạm quyền của nhiều cơ quan, cán bộ đối với doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận định.

Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra.

Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.

“Chính vì vậy, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra. Năm 2020, Bộ Tài chính soạn thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Dự thảo sẽ trao quyền cho các cơ quan của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, dự thảo lại không làm rõ mối quan hệ giữa việc thanh tra và kiểm tra, không rõ doanh nghiệp có bị thanh tra và kiểm tra về cùng một nội dung hay không. Cùng với đó, dự thảo cũng chưa làm rõ nhiều vấn đề của hoạt động kiểm tra như căn cứ kiểm tra đột xuất, thời điểm công bố kế hoạch kiểm tra, thời hạn ra kết luận kiểm tra và cung cấp cho doanh nghiệp. Thậm chí chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào việc lựa chọn doanh nghiệp bị kiểm tra hay hợp đồng dịch vụ để kiểm tra… cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định để minh bạch hóa và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.

“Đây là vấn đề cần được nghiên cứu và khắc phục trong tương lai, có thể qua việc sửa đổi Luật Thanh tra để bao gồm cả hoạt động kiểm tra”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-chay-phap-luat-2020-dung-hoat-dong-kiem-tra-de-ne-thanh-tra-post113448.html