Đổi thay ở Nà Ôm
Đường vào thôn Nà Ôm, xã Liên Hiệp (Bắc Quang) bây giờ đã bê tông hóa rộng trên 3 m. Một màu xanh bao la của núi rừng ôm lấy những mái nhà xinh, là một điểm rất hấp dẫn với những ai thích khám phá.
Bám theo con đường bê tông vào thôn là những cây chè Shan tuyết cổ thụ; chè mọc ngay dưới tán rừng đua nhau khoe búp đón ánh sáng mặt trời. Ông Đặng Quầy Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Nà Ôm cho biết: Chè Shan tuyết cổ thụ ở Nà Ôm mới chắt ra chén chưa uống đã say hương rồi, say là vì hương chè tỏa ra đã làm cho không gian rừng núi ngất ngây, búp chè non ngắt khỏi cành đã tỏa ra hương cốm thơm ngậy. Chính cái hương cốm ngầy ngậy ấy đã làm cho Nà Ôm dần thay đổi. Từ đầu năm tới nay, thời tiết, khí hậu biến đổi làm cho cây chè vùng thấp ở Bắc Quang, Vị Xuyên mất mùa; nhiều cơ sở thu mua, chế biến chè vùng thấp đã phải treo máy, đóng cửa xưởng. Còn tại Nà Ôm, cây chè Shan tuyết búp vẫn ra tua tủa. Màu xanh của cây rừng và màu xanh non mướt mà của cây chè, búp chè Shan tuyết là nhịp sống cộng sinh bền vững. Thị trường tiêu thụ chè trong những tháng đầu năm nay cho thấy cung không đủ cầu, mỗi cân chè búp tươi đang được 2 HTX trong thôn thu mua bằng giá bán từ 2 – 3 kg thóc/kg chè búp tươi; mỗi cân chè chế biến đạt chất lượng OCOP có giá từ 1,5 – 4 yến gạo. Làm ra hạt gạo, mất ít cũng trên 3 tháng trời. Ngoài việc bán chè tươi, người Dao trong thôn còn có nhiều cách chế biến chè truyền thống như chè Lam ống, chè Vàng, chè Xanh bán trực tiếp cho du khách.
Trải qua nhiều nét thăng trầm, Nà Ôm bây giờ đã là một làng dân tộc Dao khá đông đúc với 53 hộ và cũng khá sung túc. Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp, Nông Hoàng Chương cho biết: Liên Hiệp có trên 3.500 ha rừng thì Nà Ôm chiếm phần lớn, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Bình quân mỗi gia đình, sở hữu ít nhất từ 3 ha rừng kinh tế trở lên. Đất trống, đồi núi trọc khi xưa đã trở thành quá khứ, người Nà Ôm coi tấc đất là tấc vàng. Trong đó, đất trống thì trồng rừng phủ xanh, ngay dưới tán rừng trồng thêm chè Shan tuyết và dưới tán lá xanh ven rừng thì chăn nuôi thêm đàn gia súc. Nhiều gia đình trong thôn đã quy hoạch đất làm trang trại chăn nuôi tổng hợp giữa rừng. Người dân Nà Ôm hôm nay đã có “vốn” từ rừng, mỗi ngày lên rừng khoanh nuôi, phục hồi hái lá Giang cũng mang về từ 300 – 400 ngàn đồng/người/ngày công. Biết sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ đất đai, rừng núi mà cuộc sống người Dao Nà Ôm đã trở nên ngày một sung túc. Được biết, năm ngoái người dân trong thôn đã vận động nhau góp tiền, thuê máy mở rộng nền đường, lu, lèn, trộn, rải bê tông gần 4 km. Nhà bán trâu, nhà tháo ao bán cá, nhà thì xin phép khai thác rừng trồng lấy tiền góp vào quỹ thôn làm Nông thôn mới. Bình quân mỗi gia đình trong thôn Nà Ôm đã đóng góp từ 17 – 35 triệu đồng làm đường bê tông xây dựng Nông thôn mới. Nà Ôm đang đánh thức mọi tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển thịnh vượng...
Rời Nà Ôm, tôi chợt nhớ câu nói người xưa để lại “Phú quý sơn lâm hữu khách tầm”. Với Nà Ôm câu nói trên vẫn vẹn nguyên giá trị khi người dân biết khai thác hiệu quả lợi thế địa phương nơi mình sinh sống.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202306/doi-thay-o-na-om-f5325f4/