Đối phó với dịch bệnh theo 'lý thuyết tối ưu thứ hai'

Để ứng phó với dịch bệnh, một số quốc gia áp dụng chính sách cách ly tập trung, nhiều nước lại để bệnh nhân nhẹ cách ly tại nhà. Mỗi hình thức đều có ưu, nhược điểm riêng.

 Cách ly tập trung là biện pháp được một số quốc gia lựa chọn với mong mỏi đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng. Ảnh minh họa: TTCP.

Cách ly tập trung là biện pháp được một số quốc gia lựa chọn với mong mỏi đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng. Ảnh minh họa: TTCP.

Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, năm 2020 có thể coi là năm u ám, khó khăn nhất kể từ đầu thế kỷ XXI. Cuối năm 2019 bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19, nó đã càn quét thế giới với mức độ vượt xa tưởng tượng của mọi người. Đến cuối năm 2020, cứ 93 người trên thế giới thì có 1 người nhiễm bệnh và 1,88 triệu người đã chết vì nó. Trong số những người nhiễm bệnh có Thủ tướng Anh, Tổng thống Brazil, Hoa Kỳ và Pháp.

Đại dịch Covid-19 dường như là định nghĩa về thế giới năm 2020. Trong năm này, mức độ suy thoái kinh tế, mức độ chi tiêu tài khóa (đầu tư công) của nhiều quốc gia giống như mức độ của một cuộc chiến tranh vừa nổ ra trên phạm vi toàn cầu.

Dịch viêm phổi cấp mới hoành hành chưa từng có, trước tình thế khó khăn muôn bề, việc ứng phó thế nào lại trở thành một thách thức mới.

Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt: kéo dài kỳ nghỉ lễ và lùi thời gian quay lại làm việc sau nghỉ lễ ở nhiều nơi; áp dụng chính sách phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt gần như trên toàn quốc đặc biệt là ở những nơi bệnh dịch chưa quá nghiêm trọng; huy động toàn dân xét nghiệm…

Do đó, một số người chỉ trích rằng việc phòng ngừa và kiểm soát quá mức sẽ dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất, tạo áp lực lớn tới nền kinh tế, dân sinh, vận chuyển phân phối, ngược lại không có lợi cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng nên kiểm soát tốt dịch bệnh rồi mới mở cửa làm việc bình thường.

Trong khi đó, các nước phương Tây lại lựa chọn cách đối mặt hoàn toàn khác. Chỉ những bệnh nhân nặng mới được tới bệnh viện điều trị, còn những bệnh nhân nhẹ có thể tự chữa tại nhà. Sự thiếu hụt về nguồn lực y tế khiến tỷ lệ tử vong tăng cao, dẫn đến tình trạng bệnh dịch liên miên không dứt, liên tục tạo ra những đỉnh dịch mới. Ngay cả khi phải phong tỏa thành phố vì dịch bệnh, nó cũng được mở lại ngay khi có tín hiệu chuyển biến tốt, hệ quả là không thể ngăn chặn triệt để chuỗi lây nhiễm.

Tại sao Trung Quốc và các nước phương Tây có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau? Cái nào tốt hơn? Cái nào đúng, cái nào sai?

Trước sự chỉ trích của phương Tây về phương pháp “phòng ngừa quá mức” của Trung Quốc, Giáo sư Trương Quân - Hiệu trưởng Trường Kinh tế Đại học Phúc Đán đã đăng một bài viết trên trang Project Syndicate [1], cho rằng dù phòng ngừa và kiểm soát dịch quá mức không phải là phương án tối ưu, nhưng đây là lựa chọn tốt thứ hai khi phải đưa ra quyết định ứng phó dịch bệnh ngay lập tức.

Giáo sư Trương Quân giải thích rằng Trung Quốc sử dụng những biện pháp này do không thể đáp ứng các điều kiện để thực hiện phương pháp tối ưu tại thời điểm đó. Việc tìm kiếm và xác định nguồn lây nhiễm đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực.

Ngay cả khi tìm được nguồn lây, làm thế nào để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng một cách khoa học cũng là vấn đề nan giải. Vì vậy, khi ai cũng cần thời gian để làm rõ những vấn đề này, Trung Quốc áp dụng các biện pháp tương đối cực đoan, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Đây là kết quả tối ưu cục bộ, tức là mỗi địa phương đều cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, xét trên tổng thể thì đây là kết quả tốt thứ hai.

Vài tháng trôi qua, dấu hiệu tích cực dần trở nên rõ ràng. Sau thời gian cách ly và bảo vệ, số ca nhiễm mới ở một số nơi bắt đầu giảm, cho thấy tình hình có chuyển biến tốt. Trong hoàn cảnh như vậy, các chính sách từ trung ương đến địa phương đã bắt đầu chú trọng đến sự khác biệt. Mỗi địa phương được trao nhiều quyền hạn hơn, có thể tự điều chỉnh các chính sách căn cứ vào điều kiện hiện tại, ví dụ như dần trở lại làm việc xen kẽ dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế.

Vậy còn biện pháp phòng chống ở các nước phương Tây?

Mã Lượng, một nhà nghiên cứu tại Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, chỉ ra rằng những quyết định của các nước phương Tây có vẻ thiếu sáng suốt nhưng không phải vô căn cứ. Họ lựa chọn chiến lược như vậy do nguồn lực y tế của họ không thể hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh một cách toàn diện, phương pháp đó có thể đảm bảo nguồn lực y tế được duy trì và phân bổ cho các bệnh nhân nặng trước tiên. Vì vậy trên thực tế, đây là lựa chọn thứ hai bất đắc dĩ.

Từ sự việc này, chúng ta có thể thấy khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế. Mọi người đều biết giải pháp tối ưu là tìm và cách ly chính xác những người có thể bị nhiễm bệnh để tránh ảnh hưởng đến phần lớn người dân, giảm thiệt hại về kinh tế và xã hội. Nhưng đây chỉ là lý tưởng và không thể thực hiện tại thời điểm đó. Quá trình phân tích lý tính cho ra kết quả: chỉ có thể lựa chọn giải pháp tối ưu thứ hai.

Đây cũng là lý do tại sao khi phân tích phương pháp phòng chống dịch của Trung Quốc và các nước phương Tây, hai vị chuyên gia đều không hẹn mà cùng nhắc tới nguyên nhân “lựa chọn tối ưu thứ hai”.

Adam Smith đã đề xuất nguyên tắc được gọi là “bàn tay vô hình”, ca ngợi hệ thống tư bản chủ nghĩa xây dựng trên lợi ích cá nhân và lập luận rằng hệ thống này đạt được sự phân bổ nguồn lực tối ưu. Kinh tế học vi mô phương Tây đưa ra câu trả lời khẳng định: Nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo với động cơ từ lợi ích cá nhân sẽ đạt hiệu quả tối ưu.

Điều đó có nghĩa nếu mọi người tiêu dùng đều tối đa hóa lợi ích của bản thân và mọi nhà sản xuất đều tối đa hóa lợi nhuận thì trong nền kinh tế cạnh tranh hoàn hảo, họ không chỉ đạt được mục đích của mình mà còn vô thức giúp các nguồn lực trong xã hội phân bổ một cách tối ưu. Nhưng thực tế nền kinh tế không thể đáp ứng mọi điều kiện của một nền kinh tế cạnh tranh hoàn hảo.

Các học giả phương Tây thừa nhận rằng có một số yếu tố dẫn đến sự thất bại của nền kinh tế thị trường như độc quyền, ngoại ứng, hàng hóa công cộng… Nhưng đồng thời, họ cũng cho rằng chính phủ các nước có thể điều chỉnh những yếu tố đó bằng cách thực hiện các chính sách kinh tế vi mô để thu hẹp khoảng cách giữa thực tế và mô hình cạnh tranh hoàn hảo, từ đó giúp nền kinh tế tiệm cận hoặc đạt được trạng thái tối ưu Pareto.

Tuy nhiên, “lý thuyết tối ưu thứ hai” xuất hiện ở phương Tây vào những năm 1950 đã chứng minh rằng ngay cả khi các giả định mà mô hình cạnh tranh hoàn hảo yêu cầu không thể được thỏa mãn hoàn toàn, các chính sách kinh tế vi mô bù đắp thành công cho sự khác biệt giữa thực tế và giả định, việc thực hiện chính sách vẫn không thể đảm bảo đạt đến trạng thái tối ưu Pareto.

[1] Trang web phi lợi nhuận cung cấp các bài bình luận, phân tích về nhiều chủ đề trên toàn cầu.

Tạ Tôn Bác/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/doi-pho-voi-dich-benh-theo-ly-thuyet-toi-uu-thu-hai-post1550292.html