Đổi mới hoạt động, xây dựng Công đoàn GTVT Việt Nam vững mạnh

Nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn GTVT Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả với phương châm hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm.

"Hậu phương" vững chắc của người lao động

Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương (hàng trên, thứ sáu từ phải qua) trao quà, động viên người lao động trên công trình cao tốc Bắc - Nam.

Trong hai ngày 3 - 4/10/2023, Đại hội XI Công đoàn Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhìn lại chặng đường 5 năm nhiệm kỳ 2018-2023, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của tổ chức công đoàn cùng hàng vạn đoàn viên, CBCNV-LĐ toàn ngành trong sự phát triển có thể nói là "kỳ tích" của ngành GTVT.

Nghị quyết Đại hội X Công đoàn GTVT Việt Nam đã đề ra 8 chỉ tiêu chủ yếu; Kết quả đã hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt mức so với nghị quyết.

Theo đó, chỉ tiêu "kết nạp mới 5.000 đoàn viên", đã thực hiện phát triển được 6.299 đoàn viên; Chỉ tiêu "Mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu một đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam", đã giới thiệu, kết nạp được 3.914 đảng viên; Chỉ tiêu "Tỷ lệ công nhân lao động chưa qua đào tạo <5%", kết quả chỉ có 3% công nhân lao động chưa qua đào tạo.

Với mục tiêu "Phát huy sức mạnh tổng hợp chăm lo bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động; Xây dựng giai cấp công nhân ngành GTVT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", Công đoàn GTVT Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tìm các giải pháp để chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động.

Giai đoạn đại dịch Covid-19 là thử thách nhưng cũng là giai đoạn ghi nhận rõ nét hoạt động của tổ chức công đoàn ngành, khẳng định vai trò "hậu phương" vững chắc của người lao động bằng các hoạt động thiết thực, linh hoạt. Ảnh hưởng dịch, hàng nghìn CNVCLĐ trong ngành bị F0, F1; Hơn 3.500 CNLĐ phải nghỉ việc luân phiên, nghỉ không lương, chấm dứt hợp đồng lao động…

Trước khó khăn này, các cấp công đoàn thường xuyên phối hợp với chuyên môn đồng cấp chủ động tuyên truyền cho người lao động nâng cao hiểu biết về các biện pháp phòng chống dịch; Vận động người lao động tích cực tham gia tiêm vaccine đầy đủ.

Lãnh đạo Công đoàn GTVT Việt Nam trực tiếp đến các điểm "nóng", các tuyến đầu chống dịch như bệnh viện, các chốt kiểm soát vận tải đường bộ, tạo thuận lợi luồng xanh vận tải... để kiểm tra công tác phòng dịch, đồng thời trao quà hỗ trợ, động viên người lao động.

Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam thăm hỏi, hỗ trợ hơn 2.000 CNLĐ, các đơn vị thuộc tuyến đầu chống dịch của ngành, các đơn vị gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Xuyên suốt nhiệm kỳ, các hoạt động chăm lo người lao động thường xuyên tiếp tục được duy trì bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tổ chức bữa ăn ca; Tổ chức Tháng Công nhân, công tác ATVSLĐ-PCCN. Thăm, tặng hàng ngàn suất quà cho CNLĐ ở lại thi công và trực tết, các gia đình CNLĐ, gia đình chính sách...

Trong nhiệm kỳ qua, Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả, là chỗ dựa cho người lao động trong ngành có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách... Quỹ đã thăm hỏi, hỗ trợ 337 tập thể, 7.977 CNLĐ trong ngành có hoàn cảnh khó khăn; Thăm hỏi, tặng quà 2.741 cựu thanh niên xung phong; Hỗ trợ xây dựng 11 nhà "Mái ấm công đoàn" cho CNLĐ, 29 nhà tình nghĩa cho cựu TNXP và nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác... với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng.

Đẩy mạnh thi đua, đồng hành phát triển ngành GTVT hiện đại

Chủ tịch Công đoàn GTVT Phạm Hoài Phương (hàng trên, thứ tư từ phải) trao quà cho đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Bắc Luân.

5 năm qua, ngành GTVT đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Bộ GTVT hoàn thành quy hoạch 5 chuyên ngành quốc gia, sớm hơn một năm so với yêu cầu của Chính phủ. Đồng thời, hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Giai đoạn năm 2021-2023 đưa vào khai thác gần 1.000km cao tốc. Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ, ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Cùng đó là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, công tác đảm bảo ATGT... đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong những thành tựu đột phá đó, tổ chức công đoàn GTVT giữ vai trò quan trọng, nhất là đã đẩy mạnh được phong trào CNVC-LĐ. Tiếp tục phát huy truyền thống "Đi trước mở đường", các cấp trong Công đoàn GTVT Việt Nam đã đẩy mạnh các phong trào thi đua trên các công trình, dự án của ngành GTVT với trọng tâm lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua lao động sản xuất chất lượng, tiến độ, mỹ thuật, an toàn, hiệu quả…

Đặc biệt, nhiều phong trào thi đua được phát động và triển khai sâu rộng một cách thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần khơi dậy và lan tỏa tinh thần yêu ngành, yêu nghề, ý chí vượt khó của người lao động.

Đổi mới hoạt động, người lao động là trung tâm

Thời gian tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuyển dịch lao động từ khu vực kinh tế Nhà nước sang tư nhân sẽ tác động sâu sắc đến lao động, việc làm, cuộc sống và quan hệ lao động; Các mối quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp. Đây là thách thức lớn đối với tổ chức công đoàn trong việc khẳng định vị thế, vai trò bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động.

Do vậy, nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn GTVT Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, với phương châm hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, xây dựng Công đoàn GTVT Việt Nam vững mạnh; Tập trung nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cùng đó, tăng cường phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn về mọi mặt; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tham gia xây dựng đội ngũ CNVCLĐ lớn mạnh, đáp ứng nhiệm vụ phát triển ngành GTVT trong tình hình mới.

Để triển khai các mục tiêu này, cần tập trung vào các khâu đột phá. Một là, tập trung thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng hội nghị người lao động, công tác đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Hai là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín.

Ba là đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Tập trung thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.

Phát huy truyền thống ngành GTVT "Đi trước mở đường", chúng ta tin tưởng nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Công đoàn GTVT Việt Nam tiếp tục có nhiều đổi mới; Đội ngũ CNVCLĐ ngành GTVT lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nhiệm kỳ 2018-2023, qua các phong trào thi đua, đã có nhiều tập thể, cá nhân được nhận các hình thức khen thưởng: 6 tập thể và 3 cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; 1 tập thể, 3 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 103 cá nhân được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo; 58 tập thể được tặng Cờ thi đua xuất sắc và 194 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; 312 tập thể được tặng cờ thi đua và 2.629 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Công đoàn GTVT Việt Nam.

Phạm Hoài Phương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doi-moi-hoat-dong-xay-dung-cong-doan-gtvt-viet-nam-vung-manh-1922310022136566.htm