Doanh nhân Việt Nam lớn mạnh thực hiện sứ mệnh phát triển đất nước
Trong bối cảnh có rất nhiều biến động, tâm thế chung của các doanh nhân mong đợi một điều tốt hơn, song vẫn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó khăn trong thời gian tới.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời gian qua đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách trong bối cảnh chịu nhiều tác động của tình hình thế giới. Song để tiếp tục có thể đương đầu với những khó khăn, thách thức đang được dự báo phía trước, việc khơi dậy chấn hưng khí thế và tinh thần kinh doanh là mong muốn của cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, PV Đài TNVN có cuộc trao đổi với Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công về nội dung này.
PV: Bị tác động bởi tình hình thế giới, nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong những tháng đã qua của năm 2023 và thời gian tới?
Ông Phạm Tấn Công: Chúng ta thấy bức tranh kinh tế trong nước và trên thế giới trong tháng đầu năm 2023 là vô cùng khó khăn. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn cực kỳ lớn cho cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam; các DN đã phải hết sức nỗ lực vượt khó trong bối cảnh thị trường khó, tín dụng khó, có những trường bị đóng băn như thị trường bất động sản - Điều này gây ra hệ quả lan tỏa trong cả hệ sinh thái của DN.
Trong bối cảnh đó, các DN đã hết sức cố gắng, nhưng điều đáng mừng, động viên các DN đó là trong bối cảnh ấy, Đảng và Nhà nước luôn bên cạnh. Đồng thời, có nhiều quyết sách kịp thời từ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ các DN. Gần đây nhất, ngày 3/10 đã có Quyết định 25 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất cho các DN, đấy là những động tác kịp thời. Hiện các DN vẫn đang cố gắng trong khả năng của mình vượt qua khó khăn, nhưng sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cũng hết sức cần thiết.
Trong những tháng cuối năm này, chúng ta bắt đầu có những tín hiệu phục hồi từ thị trường trong nước cũng như quốc tế. Chúng ta đang hy vọng đón chào năm 2024 với những diễn biến tốt hơn, nhưng trong bối cảnh có rất nhiều biến động cả trong nước và trên thế giới, tâm thế chung của các doanh nhân mong đợi một điều tốt hơn, song vẫn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó khăn trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, cùng với cơ hội từ nền kinh tế, tâm thế nào để các doanh nhân Việt Nam tiếp tục vươn lên. Vậy với vai trò đại diện tiếng nói cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ có kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước nhằm giúp DN, doanh nhân phát triển lớn hơn nữa trong thời gian tới?
Ông Phạm Tấn Công: Năm nay kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam, giới doanh nhân, DN đang rất phấn chấn về ngày “Tết doanh nhân” của mình. Đặc biệt là có niềm vui, động viên rất lớn từ những chính sách, quyết sách mới đây của Chính phủ. Nghị quyết mới của Bộ Chính trị số 41 về phát triển và phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, như một luồng gió mới để tạo sự phấn chấn.
Trong bối cảnh đó, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng DN. VCCI vừa động viên vừa chào đón chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm phản ánh cái khó khăn, vướng mắc của DN đến với Đảng, Nhà nước. Vướng mắc đầu tiên của doanh nhân, DN đó là về tiếp cận tín dụng. Thứ hai, là về các cơ chế hỗ trợ miễn, giảm chi phí cho DN, giãn giảm nộp các nghĩa vụ về ngân sách. Thứ ba là về môi trường kinh doanh và tiếp tục cải cách hành chính ở các DN cùng những giải pháp trước mắt.
Một điều doanh nhân, DN rất mong muốn đó là khơi dậy chấn hưng khí thế và tinh thần kinh doanh. Tại thời điểm này, doanh nhân, DN Việt Nam đang rất cần một khí thế và sự hưng phấn, sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Hiện nay đâu đó sự hưng phấn đã giảm rất nhiều, không chỉ trong khu vực DN, mà cả trong khu vực các cơ quan nhà nước. Việc ra các quyết định, việc dám nghĩ, dám làm, dám quyết đã có sự suy giảm. Thực sự hai chữ cần đó là tạo sự hưng phấn trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, đây cũng là mong muốn của các DN.
PV: Với Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị vừa mới được ban hành đúng vào dịp “Tết doanh nhân”, Nghị quyết này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng DN trong bối cảnh mới hiện nay, thưa ông?
Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 41 có giá trị hết sức lâu dài cho doanh nhân, DN Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển của doanh nhân Việt Nam, chúng ta thấy từ khi đổi mới đến bây giờ là 37 năm. Từ bây giờ cho đến lúc chúng ta đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển còn 22 năm. Hiện chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện các mục tiêu và khát vọng đưa Việt Nam phát triển. Việc Nghị quyết 41 ra đời chính là định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh nhiệm vụ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 trong 22 năm tới.
Nghị quyết này có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện và rất đúng rất trúng với mong đợi của giới doanh nhân Việt Nam, là nền tảng tạo dựng một môi trường kinh doanh mới, môi trường chính sách mới cho giới doanh nhân. Nghị quyết đưa ra những nội dung rất mới và rất quan trọng, đó là doanh nhân Việt Nam không những chỉ có vai trò quan trọng như các Văn kiện trước đây, mà một trong những lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Rõ ràng vai trò của doanh nhân bây giờ đã được đặt lên rất cao. Cùng với đó, việc chúng ta sẽ có chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân rất bài bản; tăng cường bổ sung các chế tài kinh tế được xử lý các vi phạm là điều các doanh nhân rất mong đợi, không phải việc gì cũng hình sự hóa. Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế được khẳng định trong Nghị quyết 41 được kỳ vọng sẽ tạo sự phấn chấn cho giới doanh nhân Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.