Doanh nghiệp thủy sản 'kêu' khó vì thủ tục kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu

Những điều khoản kiểm dịch của Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT được cho là 'làm khó' và gây không ít vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản khi nhập khẩu các sản phẩm chế biến chín, sản phẩm đã đóng gói… suốt 3 tháng nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2014-2021, đầu năm nào Chính phủ cũng ban hành một Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực, trong đó nội dung về cắt giảm thực chất một số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành luôn được nhấn mạnh và nhắc lại. Dù vậy, chính giai đoạn này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại thay thế Thông tư 06/2010 bằng Thông tư 26/2016 và sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 36/2018. Điều này đã kéo Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch, đặc biệt là các hàng về chế biến (đông lạnh, đồ hộp) tăng lên đáng kể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lãnh đạo của VASEP cho biết, suốt 3 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp thủy sản trong ngành đã gặp vướng mắc bởi việc kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ đông lạnh cho tới chế biến sâu. VASEP cho rằng đây là biện pháp kiểm soát quá mức, không cần thiết.

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, sau đó được thay thế bởi Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 26 sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT, thì cả sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa sản phẩm động vật (hàng khô, đồ hộp…) đều thuộc danh mục kiểm dịch theo Luật Thú y. Khi áp dụng các thông tư này khiến việc kiểm soát dịch bệnh cho thủy sản và kiểm tra an toàn thực phẩm (là sản phẩm thực phẩm dùng cho người) đang khiến cho danh mục hàng hóa phải kiểm dịch một cách không cần thiết ngày càng dài ra.

“Các doanh nghiệp thủy sản và VASEP hoàn toàn đồng ý cần kiểm dịch chặt chẽ sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá nhưng với các sản phẩm thực phẩm (dùng cho người) ở dạng chế biến (đông lạnh, chín, đóng bao bì kín) hoặc chế biến sâu thì không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh. Do đó việc kiểm dịch là không cần thiết”- VASEP nhấn mạnh.

Liên quan đến những sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh, thực tế ở các nước trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada… hầu hết chỉ kiểm tra theo quy định chỉ tiêu về an toàn thực phẩm với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh. Nhiều nước yêu cầu nước xuất khẩu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thực phẩm dành cho người) và cấp chứng thư sức khỏe cho các lô hàng thủy sản chế biến xuất khẩu sang nước họ, chứ không yêu cầy phải kiểm dịch với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến, đóng bao bì kín.

Chính từ những vướng mắc này, VASEP cho biết đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến, không có nguy cơ lây truyền dịch bệnh vào danh mục phải kiểm động vật theo Luật Thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh mà chịu kiểm tra theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Theo VASEP, việc không kiểm dịch sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đúng như tinh thần của chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành cũng như quy định pháp luật theo thông lệ quốc tế hiện nay.

Ngọc Thùy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-thuy-san-keu-kho-vi-thu-tuc-kiem-dich-nguyen-lieu-nhap-khau-156545.html