ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH

Sáng ngày 22/02, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh

Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023, đến hết ngày 31/12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk còn 10 đơn vị sự nghiệp công lập, đã giảm 2/12 đơn vị. Tính đến năm 2023, đơn vị đã giảm 92 biên chế viên chức so với năm 2015.

Bên cạnh mặt thuận lợi trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận thấy các khó khăn, vướng mắc và bất cập cần có các giải pháp để tháo gỡ đó là: Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hầu hết là ở lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng (8/10 đơn vị) có đặc thù là quản lý các khu rừng đặc dụng theo quy định 3 loại rừng khác nhau, không ở cùng một địa phương (huyện), có địa giới cách xa nhau, tách biệt trong khi công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càn khó khăn, phức tạp nên nếu cứ sáp nhập theo ý chí chủ quan sẽ giảm hiệu quả hoạt động.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk báo cáo

Để cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có hiệu quả hướng đến tinh gọn bộ máy cần đi đôi với xây dựng đội ngũ viên chức có chất lượng chuyên môn cao và phải đảm bảo số lượng tối thiểu theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt tuy nhiên biên chế được giao là chưa đảm bảo nhất là đối với các đơn vị quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần làm rõ một số vấn đề như: kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; đánh giá thêm tính chất đặc thù, tinh giản, hiệu quả của các Ban quản lý rừng phòng hộ; kiến nghị cụ thể về các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành; quản lý tài sản công sau sáp nhập;…

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ với những khó khăn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023. Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đề nghị, đơn vị cần bổ sung, làm rõ tính phù hợp, đồng bộ của các hệ thống văn bản của nhà nước liên quan đến vấn đề này, nêu rõ những vướng mắc (nếu có); phân tích những khó khăn, bất cập, bài học kinh nghiệm sau khi sáp nhập, tinh giản biên chế đối với các ngành, lĩnh vực. Đối với các đơn vị gặp khó trong việc sắp xếp, sáp nhập cũng cần được kiến nghị, đề xuất kịp thời để có giải pháp tháo gỡ phù hợp. Những nội dung được các đơn vị đề xuất trong buổi giám sát sẽ được đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp để làm việc với UBND tỉnh trước khi trình lên Quốc hội trong thời gian tới./.

Kim Liên

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84805