Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp xúc, lắng nghe tâm tư đồng bào các dân tộc thiểu số tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên
Ngày 16/12, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tiếp xúc nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các tỉnh vùng Tây Nguyên, năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của đại diện đồng bào các dân tộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho đại biểu tham dự Hội nghị tiếp xúc đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Ngày 22/12/2022
Củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước
Với vị trí nằm ở trung tâm miền núi Nam Đông Dương, có những hàng lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và duyên hải Trung bộ nên Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên là 54.474km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước) với dân số khoảng 6 triệu người (chiếm khoảng 6% cả nước). Đây là địa bàn có đủ 54 thành phần dân tộc, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 36,52%, trong đó các DTTS tại chỗ gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 25% gồm Ba Na, Gia rai, Êđê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông; các DTTS khác chiếm trên 10% (đông nhất là DTTS từ các tỉnh phía Bắc, như Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Dao... di cư đến sống tập trung thành cộng đồng).
Năm 2024, nhìn chung tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi các tỉnh vùng Tây Nguyên cơ bản ổn định: an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra các vụ việc nổi cộm mang tính chất nghiêm trọng; cán bộ, chiến sỹ, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy tốt hiệu quả; các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống được chú trọng; đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên tích cực thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực vươn lên phát triển tế xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh.
Hệ thống MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp trong vùng đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, năm bắt tình hình vùng DTTS và miền núi, dự báo những vấn đề phức tạp có thể phát sinh từ cơ sở, từ đó tham mưu với cấp ủy các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững anh ninh, quốc phòng. Nhiều nơi, MTTQ Việt Nam đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước thông qua tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thông qua các đoàn đi thăm hỏi, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc và lễ hội truyền thống của các dân tộc thiếu số.
Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng có đông đồng bào DTTS, các vị ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ hòa giải ở cơ sở để vận động, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, tạo “điểm nóng” liên quan đến yếu tố dân tộc ở địa phương, cơ sở. Định kỳ có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền.
Năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông tiếp tục phối hợp tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách với người có uy tín, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng quà, cấp sách báo, chăm sóc sức khỏe cho các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín.
Trong năm 2024, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa cho các dân tộc thiểu số như: tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II với chủ đề “Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên”; Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 với chủ đề “Âm vang đại ngàn”; tổ chức các hoạt động thu hút du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa vùng đồng bào DTTS. Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa Nhà rông, Di sản không gian văn hóa cồng chiêng...
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được quan tâm
Hiện nay, vẫn còn đông đồng bào DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; hiện nay ở một số nơi vẫn còn hiện tượng khi sinh con, cha, mẹ không đăng ký khai sinh cho con; tục nối dây, nam nữ xây dựng gia đình không cần đăng ký kết hôn; hiện tượng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống; tình trạng du canh, du cư, … vẫn diễn ra. Mặt khác, vì không hiểu biết pháp luật nên một bộ phận người dân tộc thiểu số dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ theo các tà đạo, tham gia khiếu kiện tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp gây ảnh hưởng đến lợi ích chung, vi phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... vì vậy, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hoạt động trợ giúp tư pháp trong vùng DTTS trở thành nhiệm vụ quan trọng ở mỗi địa phương.
Từ thực trạng trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các cơ quan nhà nước tham mưu với cấp ủy, chính quyền tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường số công chức tư pháp cấp xã; đẩy mạnh xây dựng phê duyệt quy ước, hương ương ước thôn, bản; đẩy mạnh hoạt động của các hội đồng giáo dục phổ biến pháp luật; tăng thời lượng tin bài tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; mở rộng các cụm loa truyền thanh không dây ở miền núi; tổ chức xét xử lưu động; thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí; xây dựng đội ngũ cốt cán trong các lĩnh vực; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân…
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng.
Song song với đó, Ủy ban MTTQ các tỉnh vùng Tây Nguyên đã vận động nhân dân tham gia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới. Nhiều nơi, MTTQ các cấp còn phối hợp với Bộ đội biên phòng tuyên truyền cho đồng bào DTTS&MN về các hoạt động bảo vệ biên giới, vành đai biên giới, cột mốc biên giới và trách nhiệm của mỗi công dân đối với chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; tuyên truyền để đồng bào hiểu, không tự ý xuất nhập cảnh trái phép. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: thông qua các buổi chợ phiên, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản; truyền thanh không dây; tờ rơi; nói chuyện chuyên đề…