Định vị dòng chủ lưu trong văn hóa Hà Nội
Nói về thành tựu sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhiều người phấn khởi nhắc đến những dấu ấn của chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Song, một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất có lẽ phải nói tới mục tiêu lớn là xây dựng một đô thị văn minh. Bởi đích đến của không gian văn hóa rộng lớn Hà Nội là một đô thị văn minh, ôm trọn cả những giao thoa cả phố và làng. Và khi xác định đích đến như thế, ta cũng cùng nhau minh định đâu là dòng chủ lưu của văn hóa Hà Nội, từ đó mà vun đắp cho sự bồi lắng văn hóa ấy.
1. Đúng vào những ngày cuối cùng của năm cũ 2023, Thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể cho nghề nấu phở. Và bên cạnh tri thức dân gian về nghề nấu phở, ngành Văn hóa Thủ đô đã "tinh ý" khi chọn khía cạnh tập quán thưởng thức phở của Hà Nội để đưa vào hồ sơ di sản.
Khảo sát khi xây dựng hồ sơ di sản của các chuyên gia chỉ ra một chi tiết rất thú vị: Càng ở những khu vực nội thành cũ, nhất là khu phố cổ, càng có nhiều quán phở ngon. Thực ra chuyện này không mới. Nhưng lâu nay nó nằm ở “định tính”, còn giờ được cụ thể bằng những khảo sát, đánh giá thực tế. Song, câu chuyện không chỉ có thế. Phở Hà Nội ngon không chỉ bởi người nấu. Ở vùng chắt lọc văn hóa bốn phương, người ở đất kinh kỳ cũng là người sành ăn. Không ngon khó trụ được ở những tuyến phố trung tâm. Kết quả là người nấu - người thưởng tựa vào nhau mà nâng tầm cho thức quà tinh tế này.
Câu chuyện của phở chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh chung về ẩm thực Hà thành. Nói về ẩm thực, không thể không nói đến cỗ Tết. Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung sinh ra, lớn lên, hấp thụ vẹn nguyên những tinh hoa của ẩm thực phố cổ từ bà, từ mẹ. Bà chia sẻ rằng, ngay trong thời kỳ khó khăn, người Hà Nội vẫn cứ... cầu kỳ. Ví dụ, để có được bát canh bóng, mẹ của bà phải tích cóp từng miếng bì lợn từ trong năm rồi căng ra, phơi lên để dành đến Tết. Hay như món xào hạnh nhân - một món ăn ngày Tết ưa thích của người Hà Nội xưa, khi không có hạnh nhân, người Hà Nội vẫn cứ chế biến, nhưng thay hạnh nhân bằng một nguyên liệu bản địa dễ kiếm khác. Người ta lấy lạc rang lên, rồi đem xào với rau củ xắt nhỏ. Không ngon bằng, nhưng lạc rang cho vị bùi béo từa tựa hạnh nhân. Có một thời cái bát chiết yêu bị lầm tưởng là để “tiết kiệm”. Song thực tế không phải thế. Người Hà Nội vốn ăn uống thanh cảnh. Cái bát thắt lại ở giữa giúp lượng thức ăn trong bát có hạn, nhưng nó loe ở trên ra để dễ trình bày. Một bát bún thang, khi trình bày trên cái bát chiết yêu, sẽ như một bức tranh màu sắc. Và ăn hết bát bún, vẫn thấy bụng dạ nhẹ nhàng.
Cái ăn thì đi kèm với cái uống. Có nơi nào dùng hoa thủy tiên để ướp trà như người Hà Nội không? Tất nhiên, ngoài trà thủy tiên còn có trà sen, trà sói, trà nhài. Cái ăn, nếp uống lại là một nét chấm phá, trong một bức tranh tổng thể lớn hơn: Văn hóa ứng xử. Những người Hà Nội cũ kể rằng, con gái mới lớn chạy ra đường rồi bố mẹ vẫn gọi lại “chỉnh” chuyện quần áo. Ăn nói thưa gửi được rèn từ tấm bé. Hà thành tinh tế, tao nhã trong lời ăn, tiếng nói, trong cái ăn, cái uống, thú chơi. “Nhất thanh, nhất sắc kinh kỳ Tràng An” là vì thế.
2. Về mặt hành chính, Hà Nội gồm hai khu vực rõ rệt: Đô thị và nông thôn. Nông thôn Hà Nội khá đa dạng, gốc gác từ vùng văn hóa Kinh Bắc, xứ Đoài, Sơn Nam Thượng. Dẫu có sự khác biệt về vùng miền, nhưng được hình thành, phát triển trên cơ tầng nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông, người nông dân Hà Nội vẫn mang nền tảng chung của văn hóa vùng châu thổ sông Hồng.
Làng quê có những nét đẹp không đâu có được. Điều mà người ta thích nhất ở những làng quê là gì? Dù khác biệt đến đâu đi nữa, thì điểm chung là sự hồn hậu, mộc mạc. Ngắt một nắm chè, vò lên, rồi đun bát nước chè xanh. Nụ vối từ trên cây hái xuống. Một ấm chè xanh, nước vối cũng đủ để mấy cái đầu chụm lại chuyện nhỏ, chuyện to. Mớ cá diếc đồng, ngắt ít cúc tần bờ rào, thêm ít tương nữa, có một nồi cá kho ngon. Một nhà có việc gì, cả xóm xúm nhau lại giúp đỡ. Thế nên ở quê đám cưới mới có “cỗ dựng rạp” rộn ràng, đến giờ nhiều nơi vẫn lưu giữ nếp “cỗ dựng rạp” với hàng chục mâm như thế. Mỗi khi về làng, cảm giác dễ thấy nhất là sự gần gũi và ấm áp.
Nếu nền nếp của cư dân phố cổ đặc trưng là sự tao nhã, tinh tế thì ở nông thôn là sự mộc mạc, dân dã. Sự mộc mạc có cái hay, cái đẹp riêng. Nhưng không phải không có mặt không còn phù hợp. Người quê thường “ăn to, nói lớn”, đôi khi quá “mộc” thành ra thiếu đi sự tinh tế. Đặc điểm cố hữu của nông nghiệp tiểu nông là sự tùy tiện. Đi làm cỏ nhưng phải hôm trời nắng quá, người ta có thể tạm dừng công việc, để mai làm tiếp. Cái quán tính tùy tiện ấy đi vào cuộc sống thường ngày, biểu hiện trong không ít nếp ăn, nếp ở. Tính cộng đồng của làng khiến người ta gắn bó với nhau, nhưng cũng khó có được sự riêng tư như ở phố. Nhà nọ, nhà kia “có việc”, người ta xúm tay vào giúp, nhưng mặt hạn chế là cũng cái việc đó, lại có thể thành đề tài để bàn ra, tán vào...
3. Nhiều người đến Hà Nội sống hàng chục năm, nhưng vẫn “chê” văn hóa Hà Nội, thậm chí, người ta bảo chưa bao giờ gặp được một Hà thành tinh tế, thanh lịch như thấy qua sách vở. Kết quả là không ít người thiếu thiện cảm với cái gọi là “thanh lịch Tràng An”. Bởi điều họ thấy ở Hà Nội là một đô thị còn nhiều bất cập. Là những lộn xộn trong giao thông, là láo nháo vỉa hè, lời ăn tiếng nói chao chát, là sự khinh khỉnh ta đây của không ít chủ quán hàng... Thực tế ấy không khó nhận diện.
Song, đấy là lớp "váng" của quá trình hòa trộn, va đập trong đời sống đô thị. Không phải ai cũng hiểu gốc gác nằm ở nhập cư ồ ạt, nằm ở tốc độ đô thị hóa quá nóng, “nặng” hạ tầng mà “nhẹ” văn hóa. Cái nét đẹp của người Hà Nội cũ bị pha loãng, bị át đi, lắng xuống, lẩn khuất khó nhận ra. Chính những biểu hiện thực tế của văn hóa Hà Nội hôm nay kết hợp với tình cảm quá sâu đậm với làng quê, nên nhiều người vẫn mang nặng tư tưởng là giữ vẻ đẹp làng quê “bằng mọi giá” khi những làng quê trở thành phố, thành phường, thậm chí đề cao cái “đem quê về phố”.
Cũng phải nói về "khu vực thứ ba" - cư dân tại những không gian từ làng lên phố và những người nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác, với một bộ phận khá lớn xuất thân từ những làng quê. Chuyện ai đó sống trong đô thị hàng mấy chục năm, với chiếc “áo choàng” là người thành thị, nhưng ứng xử vẫn chưa thể trở thành thị dân là có thật. Đó vẫn là những nông dân đô thị.
Như vậy, có thể nói, văn hóa Hà Nội hôm nay không phải một khối đồng nhất. Nét tinh tế, tao nhã ta thường nói đến là phần tinh túy được chắt lọc từ những cuộc giao thoa từ làng ra phố, hiện hữu tiêu biểu trong không gian đô thị. Trong đó bên cạnh cái hay thì nếp đô thị cũng có những điểm yếu. Thí dụ như tính kết cấu cộng đồng hạn chế, hay lối ứng xử kín kẽ cũng dễ trở thành kiểu cách và rất dễ bị cho là “khách sáo"... Còn hương vị mộc mạc, dân dã là đặc trưng và chất liệu văn hóa từ thôn quê.
Vì vậy, từ định hướng phát triển Hà Nội, ta cần định vị dòng chủ lưu của dòng chảy văn hóa, vượt qua những rào cản để nhận diện rõ những điều hay, lẽ dở. Xác định dòng chủ lưu của văn hóa Hà Nội cũng là để thêm phần gìn giữ những giá trị truyền thống của không gian làng quê, bồi đắp những phẩm tính căn cốt của đô thị Hà Nội để xây dựng một văn hóa Hà Nội mới trong thời hiện đại.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dinh-vi-dong-chu-luu-trong-van-hoa-ha-noi-658074.html