Điều chỉnh giờ vào học của học sinh nên trao quyền cho nhà trường
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh quyết định lùi giờ học đối với tất cả học sinh các cấp, trong đó, cấp Mầm non và Tiểu học không sớm hơn 7h30 và cấp THCS, THPT không sớm hơn 7h đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ dư luận xã hội.
Từ đây, phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành cũng đề xuất ngành Giáo dục địa phương nên nghiên cứu, xem xét điều chỉnh giờ vào học đối với học sinh các cấp, đặc biệt là cấp Tiểu học với mong muốn tạo điều kiện để học sinh được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ hơn.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay giờ vào học buổi sáng của các trường không giống nhau. Bên cạnh việc nhiều trường bố trí thời gian vào học khá hợp lý trong khoảng từ 7h30 đến 7h45 đối với học sinh Tiểu học thì vẫn còn một số trường cho học sinh vào lớp quá sớm trong khoảng từ 6h45 đến 7h.
Thực tế cho thấy, hiện nay các bố mẹ thường đi làm về lúc 18h, ăn uống xong cũng đến 19h30 hoặc 20h, các con nghỉ ngơi, sau đó vào bàn học, sớm nhất là 22h mới đi ngủ. Thậm chí, nhiều gia đình, trẻ con còn ngủ muộn hơn. Do đó, nếu buổi học bắt đầu từ 6h45 đến 7h thì các con phải dậy trước đó ít nhất 1 tiếng rưỡi mới đủ thời gian chuẩn bị. Như vậy, các con sẽ được ngủ quá ít, sẽ buồn ngủ khi đến lớp hoặc giảm sút sự tập trung trong giờ học do chỉ ăn sáng qua quýt.
Trong khi đó, theo tính toán của lãnh đạo một số trường Tiểu học cho học sinh vào học lúc 7h45, thời gian này vẫn đảm bảo các hoạt động học, ăn, ngủ nghỉ của các con. Vào đầu buổi sáng, các con có 15 phút để truy bài, 8h mới bắt đầu vào giờ học chính thức. Trong buổi sáng, học sinh vẫn được ra chơi khoảng 20 phút; 10h45 các em học xong tiết 4 rồi nghỉ ngơi, ăn trưa và đi ngủ đến 13h20. Giờ học buổi chiều của các con bắt đầu từ 14h đến 17h. Thời gian kết thúc buổi học như vậy cũng phù hợp với lịch đưa đón của các bậc cha mẹ học sinh.
Từ góc độ chuyên gia, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm: Càng ở cấp học nhỏ, chất lượng giấc ngủ càng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiếu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11h mỗi đêm cho lứa tuổi này.
Với những trẻ trong độ tuổi teen từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình khuyến cáo cho lứa tuổi này phải từ 9-11h mỗi đêm. Thế nhưng, về cơ bản trong bối cảnh hiện nay, con cái chúng ta chẳng bao giờ ngủ được từng đó thời gian. Đó là chưa kể, bên cạnh việc thiếu thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ của các em học sinh hiện cũng không đảm bảo vì không có kiến thức "vệ sinh giấc ngủ". Giấc ngủ của các con vẫn bị làm phiền bởi các thiết bị điện tử, những tiếng ồn nội sinh và ngoại sinh trong gia đình…
“Với tất cả những lý do trên, tôi ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi và nhu cầu giấc ngủ theo khuyến cáo để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của người học. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và cập nhật hơn. Không nên chỉ dựa trên một số ý kiến chuyên gia nghĩ rằng nên lùi giờ vào 7h30 hay đến 8h để thực hiện. Đồng thời, việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy, cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng: Việc điều chỉnh giờ học của học sinh tưởng chừng là nhỏ nhưng nó có tác động rất lớn. Thực tế cho thấy, số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng đối với việc học tập và việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, không chỉ học sinh ở Việt Nam mà học sinh trên thế giới có xu hướng đi ngủ muộn. Vì vậy, nếu như đi học sớm thì sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Tất nhiên điều này còn tùy theo từng địa phương, thời tiết theo mùa. Cùng với đó, việc này là còn liên quan đến giờ làm việc của cha mẹ, giờ hành chính ở các địa phương. Theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước thì việc quyết định giờ học ở các địa phương thời gian qua nhìn chung là tương đối phù hợp.
"Vừa rồi cũng có nhiều ý kiến của các phụ huynh, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, phản ánh việc thay đổi giờ học, và Sở GD&ĐT TP đã có quyết định điều chỉnh khung thời gian học của học sinh. Theo chúng tôi, những gì chưa hợp lý về giờ vào học, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả kỳ học của học sinh và gây khó khăn cho việc đi lại của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh. Cách làm của TP Hồ Chí Minh là khảo sát ý kiến, quyết định theo đa số ý kiến 93% người được hỏi để điều chỉnh lại giờ học cho học sinh là hợp lý.
Tất nhiên, tùy từng địa phương, tùy tình hình giao thông, như ở Hà Nội hay các vùng nông thôn thì lại khác. Vì vậy, ở các địa phương cần có khảo sát, đánh giá kỹ. Trong việc liên quan đến giao thông như ở Hà Nội hiện nay, theo chúng tôi, ưu tiên giờ học của học sinh trước, từ đó tính toán, điều chỉnh giờ làm việc của viên chức, công chức", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.