Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, cần thận trọng tái đàn
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), mặc dù thời gian gần đây giá lợn đã tăng, người chăn nuôi có lãi song tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác tái đàn cần thận trọng và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi qua nhiều lần tăng giá đạt từ 64 đến 67 nghìn đồng/kg, đây là mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi nên thận trọng tái đàn bởi thời điểm này bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, dịch bệnh này đã xảy ra tại 34 tỉnh, TP trên cả nước với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 7,8 nghìn con.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận các ổ dịch tại các xã: Giáo Liêm (Sơn Động), Ngọc Thiện (Tân Yên) và Yên Lư (Yên Dũng); các ổ dịch này đều có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Để chủ động phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi lợn, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo, huy động các nguồn lực trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Phân công cán bộ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và báo cáo cho cơ quan chuyên môn để cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết làm lây lan dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn.
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, truyền thanh của huyện, xã để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp phát hiện lợn nghi bị bệnh cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để xác minh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định. Đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Cùng đó, triển khai lấy mẫu giám sát, phát hiện dịch bệnh theo Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 31/01/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 và tình hình thực tế tại tỉnh.
Phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch động vật, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh kiểm tra công tác vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn mắc bệnh.
Đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét, nắng, nóng và dịch bệnh động vật năm 2024 tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương trong tỉnh.
Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng