Đeo đuổi vẻ đẹp hình thể - quá lố thành độc hại
Tập luyện thể thao, ăn uống lành mạnh để có thể hình đẹp là một xu thế tích cực trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau trào lưu ấy vẫn có những hệ lụy độc hại do nhận thức sai lầm của một số người.
Nguyễn Kim Ngọc Trâm (25 tuổi), nhân viên kinh doanh tại một khách sạn lớn ở trung tâm TP HCM từng là một cô gái “béo” trong mắt nhiều người, với chiều cao 1m56 và cân nặng 59kg. Trâm gặp khó khăn trong việc lựa chọn trang phục, cũng như phải đối diện với cái nhìn chế giễu và lời lẽ không hay của một số người “ác miệng”.
Từ cuối năm 2022, Ngọc Trâm quyết định thay đổi chính mình. Cô đăng kí tập tại một trung tâm thể hình lớn, sẵn sàng tiết kiệm chi dùng để thuê một huấn luyện viên thể hình kèm cặp riêng. Sáu tháng sau, với sự tập luyện chăm chỉ và chế độ ăn hợp lý, Ngọc Trâm đã giảm được 8kg, ngoại hình xinh đẹp hơn và tự tin hơn rất nhiều. Kể về sự khác biệt trước và sau khi giảm cân, Ngọc Trâm cho biết, tinh thần cô phấn khởi hơn, mọi chuyện dường như trở nên dễ dàng hơn trong công việc lẫn cuộc sống. Cô cũng được nhiều chàng trai theo đuổi hơn.
Trở nên xinh đẹp, khỏe mạnh hơn, tự tin, hợp thời hơn, thậm chí kỳ vọng “thay đổi số phận”, đó là lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay khát khao có được một hình thể đẹp. Nhiều người lựa chọn “đốt cháy mỡ” trong các phòng gym, các bài tập yoga hoặc các môn thể thao khác. Một số bạn trẻ lại lựa chọn thay đổi chế độ ăn uống như một cách để giảm cân, có vóc dáng đẹp.
Một trào lưu mới cũng ra đời trên mạng xã hội, được gọi là “body profile” (hồ sơ cơ thể). Đó là xu hướng chụp ảnh khoe đường cong cơ thể đăng tải lên mạng, được đông đảo người trẻ hào hứng tham gia. Có những bạn trẻ đã trở thành “người nổi tiếng”, được nhiều người hâm mộ, có sức ảnh hưởng nhất định nhờ vào những bức ảnh khoe hình thể bản thân và truyền cảm hứng, thúc đẩy niềm đam mê phấn đấu có hình thể đẹp trong giới trẻ.
Tuy nhiên, hiện không ít người trẻ đã chạy theo những phương pháp độc hại, gây hậu quả xấu cho thể chất lẫn tinh thần. Có người vì muốn nhanh chóng có cơ thể đẹp đã tập luyện đến kiệt sức, thực hiện những bài siết cơ bất chấp có hại cho gân cốt, cho sức khỏe. Một phương pháp nguy hại khác là nhịn ăn, ăn kiêng quá mức. Một số người lại sử dụng đến các thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp giảm cân. Họ chỉ cần đạt mục tiêu giảm nhanh số cân nặng, không quan tâm đến việc đang đưa những loại thực phẩm độc hại nào vào cơ thể.
Còn không ít người, vì không thể kiên trì tập luyện hoặc áp dụng các chế độ ăn giảm cân, đã “đi đường tắt” bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ, can thiệp dao kéo để giảm mỡ bụng, giảm mỡ bắp tay, tạo rãnh bụng... Kết quả đã có những trường hợp nhẹ thì để lại những vết sẹo xấu xí, những phần cơ thể thiếu cân đối, nặng thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.
Lê H.M. (26 tuổi), nhân viên văn phòng tại TP HCM vừa qua đã phải nhập viện vì suy kiệt sức khỏe sau một thời gian dài tập luyện thể hình nặng và ăn kiêng. Mỗi ngày, H.M. dành 2 - 3 tiếng đồng hồ để tập cường độ cao, nhưng ăn rất ít, chủ yếu chỉ rau xanh, củ quả, uống nước ép, không ăn tinh bột, thịt cá. Được một thời gian, H.M. có những triệu chứng như rối loạn ăn uống, tăng cân, rụng tóc, thiếu máu và ngất xỉu khi đang đi làm. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cô bị suy nhược cơ thể và tập luyện sai cách dẫn đến chấn thương thể chất.
Theo các chuyên gia cảnh báo, việc giảm cân quá nhanh và sử dụng sai phương pháp có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và nhiều tác dụng phụ như bị lão hóa da, huyết áp thấp, thậm chí suy giảm chức năng nhận thức. Cạnh đó còn có những hệ quả khác một khi người tập thiếu sự nghỉ ngơi, giảm cân quá nhanh như lão hóa nhanh, mất cân bằng nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản... Việc tập luyện, ăn uống phải căn cứ vào sức khỏe của mỗi người cũng như đúng khoa học, nghỉ ngơi hợp lý mới đạt kết quả và không để lại hậu quả xấu.
Có thể thấy, mặc dù mong muốn trở nên đẹp hơn là chính đáng, nhưng việc quá ám ảnh với cơ thể “hoàn hảo”, bất chấp tất cả để đeo đuổi vẻ đẹp hình thể một cách quá lố sẽ trở thành độc hại.