Đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; đồng thời các đại biểu cho rằng Hồ sơ Chương trình đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

 Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh minh họa

Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh minh họa

Trình bày Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035) và được chia làm 3 giai đoạn. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Theo đó, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm…

Cho ý kiến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất sự cần thiết, cấp bách việc trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, thống nhất với tên gọi của Chương trình như Chính phủ trình cũng như thống nhất chia thành 3 giai đoạn thực hiện Chương trình, bố trí vốn thực hiện Chương trình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Đồng thời, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chương trình cần được thiết kế lại một cách tổng thể, đồng bộ, hiệu quả, trong đó các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không trùng lắp, chồng lấn nhưng hỗ trợ, phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung. Chương trình này là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của ngành văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ đầu tư khác của Nhà nước cho hoạt động phát triển văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nên tập trung vào những vấn đề lớn, những vấn đề tầm cỡ, tạo đột phá, những vấn đề cần khắc phục thì huy động nguồn lực, lực lượng để thực hiện, còn những nhiệm vụ thường xuyên của ngành thì vẫn đầu tư theo phương pháp bình thường. Do đó, vấn đề này nên được rà soát thêm.

Đồng thời cần dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa, bởi đây là xu thế của thời đại, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế. Và nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là Chương trình quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các Nghị quyết của Đảng. Việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định: Hồ sơ Chương trình đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Về quy trình xin ý kiến Quốc hội, trước mắt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tích cực, quyết tâm chuẩn bị, tùy thuộc vào quá trình thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ quyết định thông qua 1 Kỳ họp hay 2 Kỳ họp.

Các đại biểu tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Các đại biểu tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý, nội dung Chương trình cần thể hiện phải rõ hơn về công nghiệp văn hóa, sự quan tâm đặc biệt với lĩnh vực văn hóa. Nhiệm vụ cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đột phá, điểm nhấn của Chương trình.

Đặc biệt, về địa điểm, phạm vi thực hiện Chương trình, Tờ trình của Chính phủ có nêu: "Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập…", theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia cần lý giải rõ hơn.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-20240514163816297.htm