Đề xuất 'phạt nặng' đối với tư vấn bảo hiểm sai quy định
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng mạnh mức xử phạt với nhiều hành vi sai phạm trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ...
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức xử phạt hiện hành lên mức 90-100 triệu đồng với một số hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ như: Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm; Tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; Triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất xử phạt vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm với mức phạt 60-70 triệu đồng với các hành vi như: Cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15; Không tuân thủ phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô đã đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định tại Điều 145 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Đối với những trường hợp không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm... sẽ bị phạt tiền 40-50 triệu đồng. Trong khi đó, hành vi của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý không phù hợp với quy định tại Điều 53 dự thảo Thông tư số…/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đề xuất bị phạt tiền từ 60- 80 triệu đồng.
Dự thảo cũng bổ sung các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định mới được bổ sung tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản, cụ thể: Quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, các quy định về việc thực hiện biện pháp cải thiện, các quy định về việc thực hiện biện pháp can thiệp sớm, các quy định về việc thực hiện biện pháp kiểm soát, không thực hiện trách nhiệm khi bị áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát. Bổ sung hành vi vi phạm về công khai thông tin, một số quy định mới về xử phạt quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tiến hành xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với tổng số tiền 2,95 tỷ đồng.
Dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng áp dụng gồm: Chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, văn phòng đại diện của tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam;