Đề xuất nhóm giải pháp để đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Vừa qua, Bộ GTVT đã thành lập 2 tổ kiểm tra liên ngành tại hiện trường các khu vực mỏ, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua.

Đề xuất nhóm giải pháp để đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Ảnh minh họa.

Do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng của dự án sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5%. Theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai 5 nhóm giải pháp để kịp giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó cho phép UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các địa phương nói trên cũng được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (sau khi đã rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc.

Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế với tinh thần rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng.

Về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện trồng rừng thay thế, đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 175/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và thực hiện công tác quản lý, sử dụng tầng đất mặt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, các địa phương để hướng dẫn các chủ đầu tư xác định giá vật liệu tại mỏ gồm giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu,...

Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh trong quá trình lập, trình, hoàn thiện hồ sơ khai thác mỏ; thủ tục đất đai và thương thảo với các chủ đất khu vực mỏ.

Hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ đã trình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023, đáp ứng nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án. Đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, UBND các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác.

Thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường song song, đồng thời với quá trình hoàn thiện thủ tục khai thác nếu thấy cần thiết.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-nhom-giai-phap-de-dap-ung-nhu-cau-vat-lieu-thi-cong-cao-toc-bac--nam-post257141.html