ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU KHÔNG GIẢM 10% BIÊN CHẾ Y TẾ CƠ SỞ VÀ THÊM CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ
Để khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc gia tăng sau đại dịch COVID-19, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất với Quốc hội nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở và có thêm các chính sách ưu đãi đối với nhân viên y tế…
Theo báo cáo của Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần tiếp tục thay đổi chính sách thu hút, đãi ngộ, “giữ chân” đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm việc ở các tuyến. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra trong phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày 29/5.
Đề cập về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm: Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại Trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ chi cho y tế cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống còn 23,1% năm 2019. Năm 2022 tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở chỉ đạt 34,5%, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%. Như vậy, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là tuyến xã không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều người dân chưa tin tưởng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở nên thường phải chuyển lên tuyến trên và thực tế là không đủ năng lực ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, để thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, trong đó, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe đòi hỏi phải có những quyết sách quyết liệt, hiệu quả đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời có giải pháp bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở, nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở để đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Để góp phần khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc được Nhân dân và cử tri rất quan tâm trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị cần phải quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, sự quan tâm không chỉ về cơ chế, về kinh tế mà quan trọng nhất là phải tạo được môi trường, điều kiện để cho các nhân viên y tế được phát triển bản thân. Có như vậy mới tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Đưa ra quan điểm về đảm bảo nguồn nhân lực y tế, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã. Cùng với đầu tư của Trung ương, giao thẩm quyền cho các địa phương tự cân đối ngân sách, ban hành cơ chế chính sách để thu hút đào tạo, ưu đãi nguồn nhân lực y tế phù hợp với tình hình kinh tế của từng địa phương./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76381