Để tăng trưởng bền vững với khát vọng vươn xa
Sự phục hồi vững chắc của sản xuất, tiêu dùng và thương mại không chỉ tạo đà cho tăng trưởng năm 2025 có thể đạt từ 8%, mà còn mở ra kỳ vọng phát triển đột phá giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức lớn.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2025 vẫn tiềm ẩn bất ổn địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng và xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng. Những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung - EU buộc Việt Nam phải duy trì được vị thế linh hoạt, vững vàng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đã được nâng lên từ 8% trở lên - một con số tham vọng đi kèm với kỳ vọng đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong chính sách phát triển kinh tế.

Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD
Cơ hội từ công nghệ và dòng vốn chất lượng cao
Một trong những động lực lớn của nền kinh tế năm 2025 chính là xu thế công nghệ cao, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và công nghệ sinh học. Báo cáo của PricewaterhouseCoopers cho thấy, mức độ thâm nhập AI cao có thể giúp năng suất lao động tăng tới 4,8 lần. Đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên trong cuộc chơi kinh tế tri thức.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright), Việt Nam cần xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao với môi trường đầu tư minh bạch, hạ tầng hiện đại và nhân lực chuyên môn tốt.
“Chỉ khi chúng ta thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng và thúc đẩy chuyển giao công nghệ thực chất, mới có thể tạo ra sự khác biệt”, ông Thành nhận định.
Trên thực tế, theo dự báo của Bain & Company, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể tăng tới 83% trong giai đoạn 2025-2030, đặc biệt vào lĩnh vực chế biến chế tạo, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ thông tin. Đây là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thể chế tiếp tục là điểm nghẽn cần tháo gỡ nếu Việt Nam muốn vươn lên thành trung tâm sản xuất và công nghệ của khu vực. Chính phủ đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, số hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, cho rằng: “Tinh thần đổi mới trong cải cách thể chế cần gắn liền với thực tiễn thị trường. Phân cấp, phân quyền sâu hơn cho địa phương, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp là bước đi tất yếu để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo”.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng đóng vai trò cốt lõi. Những chương trình đào tạo quản lý hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý công, sẽ giúp Nhà nước vận hành hiệu quả hơn trong nền kinh tế số.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát hợp lý. Việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, theo sát biến động của đồng USD, EUR và Yên Nhật sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần được khuyến khích giảm lãi suất cho vay, mở rộng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc đơn giản hóa thủ tục tín dụng, thúc đẩy số hóa trong ngân hàng là xu hướng tất yếu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và mở rộng thị trường.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Động lực lớn nhất trong chính sách tiền tệ hiện nay là niềm tin. Nếu nhà điều hành ổn định được tâm lý thị trường, kiểm soát được rủi ro lạm phát thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự tin chi tiêu và đầu tư”.
Nhân lực chất lượng cao là đòn bẩy cho kỷ nguyên mới
Năm 2025 là thời điểm “vàng” để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy ngành chế biến chế tạo công nghệ cao. Trong nông nghiệp, việc chuyển sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, kết hợp công nghệ AI vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Trong công nghiệp, sản xuất điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và ô tô thông minh được kỳ vọng trở thành trụ cột của nền kinh tế. Đặc biệt, yêu cầu từ các FTA như EVFTA hay CPTPP về phát thải carbon và tiêu chuẩn môi trường sẽ buộc doanh nghiệp Việt nâng cấp công nghệ, hướng tới nền sản xuất xanh và tuần hoàn.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng giao thông - với những dự án như cao tốc Bắc-Nam, cảng biển quốc tế - sẽ đóng vai trò chiến lược, giúp giảm chi phí logistics, tăng kết nối vùng và tạo sức bật mới cho thương mại dịch vụ.
Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về chất lượng nhân lực, trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu cao về kỹ năng số, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng. Đổi mới giáo dục, khuyến khích mô hình đào tạo kép, tăng cường đào tạo nghề và hợp tác quốc tế là những giải pháp trọng tâm.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực nghiệm khoa học
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, liên kết với các nền giáo dục tiên tiến như: Đức, Nhật Bản, Singapore không chỉ giúp tiếp cận chuẩn đào tạo hiện đại mà còn mở ra cơ hội thu hút chuyên gia nước ngoài. Cùng với đó, việc cải thiện chế độ đãi ngộ, xây dựng môi trường làm việc sáng tạo là yếu tố then chốt để giữ chân nhân tài trong nước.
Việt Nam đang đứng trước thời điểm có tính bước ngoặt trong quá trình phát triển. Những động lực tăng trưởng từ công nghệ, FDI, cải cách thể chế và nguồn nhân lực nếu được phối hợp đồng bộ sẽ đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ. Kỳ vọng tăng trưởng 8% năm 2025 không chỉ là con số mà là tuyên ngôn của một dân tộc đang khẳng định vai trò mới trên bản đồ kinh tế thế giới.

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-tang-truong-ben-vung-voi-khat-vong-vuon-xa-163896.html