Đề nghị các CEO bảo hiểm cần tích cực triển khai 5 chính sách
Năm 2020 là năm bản lề để các công ty bảo hiểm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020 và Đề án tái cấu trúc lại thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng năm 2025 của Chính phủ.
Nhận định trên được ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đưa ra tại Hội nghị Tổng giám đốc các công ty bảo hiểm phi nhân thọ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua.
Đồng thời, ông Huyền cũng đề nghị các công ty bảo hiểm cần tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai 5 chính sách bảo hiểm như bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tàu cá theo Nghị định tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP.
Thứ nhất đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP có nhiều điểm mới.
Cụ thể như đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, giao quyền chủ động cho DNBH trong việc thu nhập hồ sơ bồi thường tạo điền kiện thuận lợi cho việc bồi thường bảo hiểm; Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm như: doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm, được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; mở rộng hạn bảo hiểm;
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong phòng chống gian lận bảo hiểm; mức phí bảo hiểm được xây dựng tương ứng với rủi ro để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm; nâng mức trách nhiệm bảo hiểm, nâng mức chi và mở rộng đối tượng hỗ trợ nhân đạo để tăng cường tính chất an sinh xã hội…
Do đó, ông Huyền cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để triển khai được ngay các quy định mới khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, hiện nay, Bộ Công an đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi danh mục cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ.
Do đó Nghị định số 23/2018 quy định về bảo hiểm cháy cũng phải sửa đổi theo, đó là các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nghiên cứu, rà soát những vấn đề còn chưa phù hợp của Nghị định 23 để Cục Quản lý bảo hiểm tổng hợp chung trình cấp có thẩm quyền sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần chấp hành việc đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị định.
Thứ ba, đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo phản ánh hiện còn những vướng mắc liên quan đến các quy định về đấu thầu bảo hiểm trong Luật đấu thầu bảo hiểm.
Qua đó, ông Huyền đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tham mưu ban hành chính sách về đấu thầu để sửa đổi chính sách cho phù hợp.
Thứ tư, đối với chính sách bảo hiểm nông nghiệp, ông Huyền đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm đã được phê chuẩn sản phẩm tích cực phối hợp với các địa phương thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm chưa phê chuẩn sản phẩm tích cực nghiên cứu về vấn đề này có thể thực hiện bảo hiểm hoặc đồng bảo hiểm.
Cuối cùng là chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP. Trước những khó khăn, vướng mắt theo kiến nghị của cácdoanh nghiệp bảo hiểm, Cục đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 67 cho phù hợp với bảo hiểm tàu cá.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần chủ động cung cấp thông tin cho các địa phương, các cơ quan thông tấn theo nội dung văn bản số 9683 ngày 12/8/2020 Bộ Tài chính đã gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển về chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CPA để hiểu đúng chính sách.
Ngoài ra, các chính sách bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm bảo lãnh thông qua tại Việt Nam, đề án kết nối bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm thương mại cũng cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
"Đối với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi chính sách bảo hiểm theo thông lệ quốc tế phù hợp với thực tiễn thị trường bảo hiểm Việt Nam", ông Huyền nói.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (phụ trách khối bảo hiểm phi nhân thọ), chủ trì Hội nghị này cho biết, đây là những chỉ đạo thiết thực, ý nghĩa giúp các công ty bảo hiểm có định hướng tốt, cùng đồng lòng thúc đẩy thị trường phát triển.
“Hiệp hội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo và triển khai các chương trình hành động sau hội nghị này”, ông Tuấn nói.