ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, tại Điều 6 dự thảo Luật quy định về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, hiện nay việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung đã được quy định cụ thể tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, nhiều nội dung tại Điều 6 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đều đã được quy định tại các văn bản vừa nêu.

Theo ĐBQH Mai Văn Hải, dự thảo Luật chỉ nên quy định các nội dung tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 6. Đối với các nội dung khác mang tính nguyên tắc về hình thức, nội dung, biện pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã được thể hiện đầy đủ tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, dự thảo Luật có thể dẫn chiếu tới việc thực hiện theo quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật để tránh sự trùng lắp, đảm bảo nguyên tắc không quy định lại những nội dung mà luật chuyên ngành đã quy định.

Về quy định tại khoản 2 Điều 10: Cấm người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. ĐBQH Mai Văn Hải đồng tình với quy định này, bởi vì: Đây không phải là nội dung mới, đã có quy định từ Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia 2019 đã được Quốc hội 14 cân nhắc rất kỹ cả về khoa học và thực tiễn thực hiện. Quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 đưa ra quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nay dự thảo Luật quy định là mang tính kế thừa.

Hơn nữa, sau 16 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia về cấm người lái xe ôtô, xe máy chuyên dùng; cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Việc thực hiện trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm giảm số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt là giảm các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do uống rượu, bia, được Nhân dân đồng tình và đang hình thành một văn hóa giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Về đấu giá biển số xe (Điều 38 dự thảo Luật), theo ĐBQH Mai Văn Hải, việc luật hóa quy định về đấu giá biển số xe như dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo điều Luật chỉ cần quy định cụ thể về loại biển số xe đưa vào đấu giá; việc quản lý, sử dụng biển số xe đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe và việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc bán đấu giá biển số xe.

Các vấn đề về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện việc đấu giá biển số xe thì cần dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản để vừa đảm bảo nguyên tắc không quy định lại các nội dung mà luật chuyên ngành đã quy định, vừa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Về quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe (Điều 58 dự thảo Luật): Quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe là quy định mới được quy định trong dự thảo Luật, đây là một biện pháp quản lý Nhà nước vừa có tính răn đe vừa có tính giáo dục. Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời, các quy định về điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, vì về bản chất đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-tham-gia-gop-y-ve-mot-so-noi-dung-con-y-kien-khac-nhau-cua-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-214853.htm