Đẩy mạnh khai thác hiệu quả Bộ pháp điển trong đời sống xã hội
Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 'Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển', sau 10 năm triển khai Đề án xây dựng (2014 - 2023). Để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Bộ pháp điển và phát huy giá trị sử dụng của Bộ pháp điển trong đời sống xã hội, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh xung quanh vấn đề này.
- Thứ trưởng có thể giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam sau 10 năm xây dựng?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh:Trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước và kiến tạo, thúc đẩy đất nước phát triển. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật.
Nhằm tăng cường tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ tìm kiếm của hệ thống pháp luật Việt Nam, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) để xây dựng Bộ pháp điển. Theo đó, Bộ pháp điển là tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành. Các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu các quy định pháp luật.
Để triển khai xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển bắt đầu và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023). Tháng 6/2017, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển các đề mục đầu tiên. Đến nay, Chính phủ đã thông qua 09 Nghị quyết phê duyệt kết quả pháp điển đối với 267 đề mục. Bộ pháp điển Việt Nam đã cơ bản hoàn thành và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).
- Như vậy, Bộ pháp điển có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với Nhà nước và xã hội?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh:Công tác pháp điển là một công việc mới, khó, nhưng trong thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai xây dựng thành công Bộ pháp điển - sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ. Đây cũng là thành tích đáng ghi nhận của các bộ, ngành trong việc tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2012.
Trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhu cầu thực tiễn đặt ra việc nâng cao hiệu quả hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của hệ thống pháp luật, Bộ pháp điển đã thể hiện được vai trò, ý nghĩa cụ thể như sau:
Thứ nhất, với hệ thống văn bản pháp luật cồng kềnh và các quy định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội phân tán tại nhiều văn bản như nước ta hiện nay, việc tra cứu quy định pháp luật có tính hệ thống tại Bộ pháp điển sẽ giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật, qua đó giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, Bộ pháp điển hướng đến mục tiêu đảm đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Các kết quả pháp điển được đăng tải, cập nhật liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí bảo đảm tính công khai và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật với người dân.
Thứ ba, quá trình rà soát và xây dựng Bộ pháp điển, các bộ, ngành đã nhận diện nhiều QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, phát hiện những khoảng trống pháp luật để kịp thời ban hành văn bản bảo đảm tính đầy đủ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, khi tất cả các quy định đã được sắp xếp một cách hệ thống trong Bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định trong Bộ pháp điển.
Cho đến nay, Bộ pháp điển đã mang lại cho người sử dụng một cách tiếp cận theo hướng khác biệt, không theo văn bản riêng lẻ, mà theo lĩnh vực, theo nhóm quan hệ xã hội, theo nhóm vấn đề. Có thể thấy, Bộ pháp điển bước đầu được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng, coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.
- Sau khi Bộ pháp điển hoàn thành, vấn đề đặt ra là tiếp tục nâng cao chất lượng vàđưa Bộ pháp điển đi vào đời sống. Vậy, Bộ Tư pháp đã có kế hoạch, chuẩn bị nào cho công tác pháp điển trong thời gian tới đây, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh:Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã thực hiện pháp điển một cách trách nhiệm, lấy mục tiêu chất lượng của Bộ pháp điển đặt lên hàng đầu. Các kết quả pháp điển trình Chính phủ thông qua đã bảo đảm QPPL trong Bộ pháp điển được chính xác về nội dung, hiệu lực. Bộ pháp điển Việt Nam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được khai thác, sử dụng miễn phí. Đây là Cổng thông tin điện tử độc lập, đăng tải Bộ pháp điển, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động.
Sau khi xây dựng Bộ pháp điển thành công, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã xác định được nhiệm vụ tiếp theo rất quan trọng là cần đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu Bộ pháp điển. Qua theo dõi cho thấy, Cổng thông tin điện tử pháp điển hiện nay có hơn 10,7 triệu lượt truy cập, trung bình hơn 4.000 lượt truy cập/ngày.
Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các quy định pháp luật của người dân, doanh nghiệp là rất lớn và ngày càng gia tăng. Theo đó, số lượng truy cập Bộ pháp điển còn khiêm tốn so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay. Việc tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật ngày càng nhiều và trở thành nhu cầu rất lớn trong xã hội nước ta hiện nay và trong thời gian tới. Do đó, Bộ pháp điển cần được đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, hiệu quả để đông đảo xã hội biết đến và khai thác, sử dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới, để Bộ pháp điển được lan tỏa, phát huy giá trị, công tác pháp điển hệ thống QPPL cần tiếp tục được Lãnh đạo Chính phủ và Thủ trưởng các bộ, ngành quan tâm tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra tại Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển".
Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, Đề án xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Rà soát, hoàn thiện Bộ pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về giá trị và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trọng tâm là công chức từ trung ương đến địa phương; luật sư; công chứng viên; trợ giúp viên pháp lý; giảng viên, giáo viên, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển…
Trên cơ sở thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, Bộ Tư pháp thấy rằng, trong thời gian tới, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý, vận hành thống nhất Bộ pháp điển với các cơ sở dữ liệu pháp luật khác nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ và toàn diện các thông tin pháp luật và hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam để phục vụ nhu cầu khai thác nhằm quản lý, phổ biến, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội là rất cần thiết.
Đặc biệt, trong năm 2024, sau 10 năm triển khai xây dựng Bộ Pháp điển, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ báo cáo Lãnh đạo Chính phủ chủ trì tổ chức Lễ Công bố Bộ pháp điển Việt Nam - sản phẩm chính thức của Nhà nước do các bộ, ngành ở Trung ương xây dựng. Lễ Công bố Bộ pháp điển Việt Nam là một trong các hoạt động truyền thông, giới thiệu Bộ pháp điển và tiếp tục lan tỏa hiệu ứng tích cực trong xã hội về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Với nội dung Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển" (ban hành kèm theo Quyết định số 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Bộ pháp điển sẽ trở thành địa chỉ tra cứu pháp luật tin cậy, đầy đủ, chính xác, phát huy giá trị, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Báo cáo Chính phủ số 145 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hiện nay, có khoảng 9000 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương đang còn hiệu lực. Theo đó, Bộ pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành. Các quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu các quy định của pháp luật. Bộ pháp điển có 45 chủ đề bao gồm 271 đề mục.
Bộ pháp điển giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện hành. Với hệ thống văn bản pháp luật cồng kềnh và các quy định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội phân tán tại nhiều văn bản như nước ta hiện nay, việc tra cứu quy định pháp luật có tính hệ thống tại Bộ pháp điển sẽ góp phần giúp cá nhân, tổ chức tra cứu một cách đầy đủ và toàn diện để áp dụng, tuân thủ pháp luật.
Bộ pháp điển hướng đến mục tiêu đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Các kết quả pháp điển được đăng tải, cập nhật liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển bảo đảm tính công khai và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật với người dân.
Quá trình rà soát và xây dựng Bộ pháp điển, các bộ, ngành đã nhận diện nhiều quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, phát hiện những khoảng trống pháp luật để kịp thời ban hành văn bản bảo đảm tính đầy đủ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, khi tất cả các quy định đã được sắp xếp một cách hệ thống trong Bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định trong Bộ pháp điển.
Lê Sơn (thực hiện)