Dạy lớp ghép ở miền núi tạo thuận lợi cho trẻ em được học tập

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới), giáo viên và học sinh thuộc mô hình lớp ghép phải nỗ lực nhiều hơn nữa để từng bước khắc phục khó khăn của giáo dục miền núi. Mô hình lớp ghép chủ yếu tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, nơi có phần lớn học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) theo học.

Lớp ghép tại Điểm trường Trăng Tà Puồng của Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt do cô giáo Lê Thị Tân Thơ chủ nhiệm -Ảnh: TÚ LINH

Năm học mới này, đảm nhận lớp ghép trình độ 1-2 (5 học sinh lớp 1, 6 lớp 2) tại Điểm trường 37 là một thách thức đối với cô Nguyễn Trần Hà Phương, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Điểm trường 37 là trường lẻ cách điểm chính 7 km, chỉ có 1 lớp ghép như trên. Để thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo quy định của chương trình mới, cô Phương phải ở lại trường suốt ngày với học sinh.

Cô phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, phân bổ thời gian làm việc với các nhóm trình độ trong từng tiết học phù hợp với đối tượng học sinh đảm bảo các yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của mỗi lớp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà cô trò gặp phải là rào cản tiếng Việt nên cả giáo viên và học sinh cần phải kiên trì để dần tháo gỡ.

Nằm cách trường trung tâm hơn 12 km, Điểm trường Trăng Tà Puồng của Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, có 3 lớp học, trong đó có 2 lớp ghép. Lớp ghép trình độ 2-3 có 20 học sinh, lớp ghép 4-5 có 13 học sinh. Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số.

Cô giáo Lê Thị Tân Thơ được phân công dạy lớp ghép trình độ 2-3 tại điểm trường này. Hằng ngày, cô phải đi từ điểm trường chính về điểm lẻ để dạy học. Cô Thơ còn phải học tốt tiếng Vân Kiều để thuận lợi hơn trong giao tiếp với học sinh.

Theo cô Thơ, thời khóa biểu các tiết dạy trong một lớp ghép được bố trí linh hoạt, phù hợp với cả giáo viên và học sinh. Nếu lớp 2 được học Toán thì lớp 3 tập viết; ngược lại nếu lớp 3 học tiếng Việt thì lớp 2 làm bài tập Toán…

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục khác trong chương trình cũng được bố trí dạy linh hoạt như vậy. Học sinh điểm lẻ của trường khả năng tiếng Việt còn hạn chế và các em có phần nhút nhát. Với yêu cầu của chương trình mới, có các hoạt động giáo dục trải nghiệm nên cô Thơ cố gắng tổ chức các hoạt động, trò chơi cho học sinh thường xuyên để giúp các em mạnh dạn, hòa đồng và biết cách tham gia làm việc theo nhóm cũng như nâng cao vốn tiếng Việt.

Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt cho biết, nhà trường luôn bố trí giáo viên có kinh nghiệm để đảm nhiệm các lớp ghép. Mỗi giáo viên sẽ căn cứ vào chương trình các môn học để lập kế hoạch dạy học phù hợp với trình độ học sinh. Vì vậy, việc tổ chức dạy lớp ghép tại điểm trường lẻ diễn ra nhiều năm nay nhưng chất lượng giáo dục của những lớp học này khá đảm bảo.

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT Hướng Hóa Hoàng Văn Sơ, huyện có 9 trường có lớp ghép, giảm 2 trường so với năm học 2021- 2022. Đặc thù là địa bàn miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, dân cư sống thưa thớt nên việc tổ chức các lớp ghép tại điểm trường lẻ để tạo điều kiện cho mọi trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.

Xác định ý nghĩa của việc dạy học lớp ghép, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học căn cứ vào tình hình số lượng học sinh, lập kế hoạch mở lớp ghép báo cáo phòng để chỉ đạo, quản lý việc tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện địa phương. Những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết sẽ được bố trí giảng dạy lớp ghép. Nhà trường chú trọng đến việc phát huy tinh thần tự nguyện của các thầy cô.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Hữu Huyện phân tích, toàn tỉnh có 5 huyện có học sinh DTTS, trong đó 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông thực hiện dạy lớp ghép cấp tiểu học vì điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn hơn các địa phương khác.

Cụ thể, huyện Hướng Hóa có 9 trường (36 lớp ghép) với 422 học sinh; huyện Đakrông có 2 trường (6 lớp ghép) với 63 học sinh. Lớp ghép là một loại hình đào tạo đặc thù thường được tổ chức ở những vùng khó khăn có số lượng học sinh không đủ để mở lớp đơn; số lượng học sinh vừa ít, vừa thiếu phòng học. Tổ chức lớp ghép góp phần tăng cường tính tự lập và tự tin cho trẻ em DTTS.

Qua quá trình tổ chức dạy học tại địa phương đã huy động 100% học sinh trong độ tuổi vào nhà trường và duy trì sĩ số học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu công tác phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Việc thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên dạy lớp ghép được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chế độ; công tác tập huấn về dạy học lớp ghép được triển khai kịp thời.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết cho việc dạy học lớp ghép ở tất cả các điểm trường còn hạn chế nên giáo viên phải tự làm đồ dùng để phục vụ công tác giảng dạy. Một số trường chưa bố trí được dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học cho học sinh lớp ghép, do cơ sở vật chất không đảm bảo và thiếu giáo viên.

Về lâu dài cần phải tìm hướng khắc phục tình trạng dạy lớp ghép. Nhà nước đang đầu tư hệ thống giao thông miền núi ngày càng hoàn thiện hơn, nên các huyện cũng cần tính đến phương án đưa học sinh từ các điểm lẻ về điểm chính để học.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171062&title=day-lop-ghep-o-mien-nui-tao-thuan-loi-cho-tre-em-duoc-hoc-tap