Đặt nguyện vọng xét tuyển phù hợp để nắm chắc tấm vé vào đại học
Từ ngày 22/7 đến ngày 20/8, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng Đại học, không giới hạn số lần bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đây cũng là năm đầu tiên, tất cả các nguyện vọng vào đại học ở mọi phương thức phải được thực hiện đăng ký trên hệ thống chung. Chính vì vậy, thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về ngành, phương thức xét tuyển, mã ngành, mã trường để tránh sai sót.
Đăng ký phương thức nào thì cũng phải trên hệ thống chung
Em Nguyễn Thị Minh Thư cho biết, mình sẽ đăng ký các nguyện vọng vào khối ngành liên quan đến các môn tự nhiên. Nguyện vọng 1 Thư sẽ đặt vào ngành Kỹ thuật Hàng không của Đại học Bách Khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) bằng phương thức sử dụng kết quả của kỳ thi Đánh giá năng lực. Những nguyện vọng còn lại như Kỹ thuật Điện hoặc Cơ khí, Thư vừa dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả học bạ. Trước đó, để chuẩn bị cho việc đăng ký nguyện vọng vào đại học, Thư đã phải nghiên cứu rất kỹ, tranh thủ tham gia những kỳ thi riêng để đủ điều kiện xét tuyển của các trường.
“Thông tin xét tuyển của các trường đưa ra vào những thời điểm khác nhau. Năm nay đưa ra cũng khá trễ nên khoảng thời gian ôn thi em cũng khá lo, mỗi trường xét tuyển theo nhiều phương thức mà mình cũng cần có sự chuẩn bị trước”- em Nguyễn Thị Minh Thư cho biết.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, với quy định mới trong đăng ký xét tuyển đại học năm 2022, dù thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở nhiều trường bằng các phương thức khác nhau nhưng vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu không thực hiện đúng quy định, thí sinh đó sẽ không trúng tuyển đại học. Đồng thời, mỗi em cũng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất trong số những nguyện vọng đã đăng ký trên hệ thống xét theo thứ tự giảm dần, nên các em cũng cần cân nhắc kỹ, chọn ngành học mình thực sự yêu thích và phù hợp để sắp xếp cho hợp lý.
Đồng thời, mỗi trường đại học sẽ có phương thức tuyển sinh, cách thức đào tạo làm thế nào để đạt chuẩn đầu ra và tạo nên thương hiệu của mình. Do đó, chọn trường nào hay ngành nào cũng chỉ là một phần, quan trọng hơn chính là sự nỗ lực trau dồi của sinh viên trong quá trình học để đáp ứng được yêu cầu công việc sau này.
“Ưu tiên số một là ngành mình yêu thích, ngành mình có sở trường. Còn vào trường nào thì tùy thuộc vào điều kiện tài chính của gia đình. Ví dụ như điều kiện tài chính gia đình khó khăn mà chọn trường tư hoặc trường tự chủ tài chính thu học phí cao, gia đình không có khả năng. Đó là những điều cần hết sức lưu ý”- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nói.
Điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước chỉ là cơ sở tham khảo
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM), thí sinh nên đặt nguyện vọng vừa đủ và nên chia số nguyện vọng của mình làm 3 nhóm, gồm: nhóm ngành mình rất yêu thích và dự báo kết quả có cơ hội thấp hơn, nhóm thứ 2 là có cơ hội và nhóm thứ 3 có cơ hội cao. Mỗi nhóm như vậy đặt khoảng từ 3-5 nguyện vọng. Thậm chí với nhóm đầu chỉ cần đặt từ 1-2 nguyện vọng, nhóm thứ 2 có thể đăng ký nhiều hơn một chút.
Bên cạnh đó, chỉ nên xem việc so sánh điểm chuẩn các năm là cơ sở tham khảo. Vì kết quả của quá trình xét tuyển phụ thuộc nhiều yếu tố như phổ điểm thi và số lượng nguyện vọng đăng ký vào. Nếu điểm chuẩn một số ngành năm trước cao thì chưa chắc năm nay cao và ngược lại. Do đó, quan trọng nhất là thí sinh nếu yêu thích ngành nào và cảm thấy phù hợp thì nên đăng ký.
"Dự báo không quan trọng, vì đó chỉ là dự báo, dự đoán để mình xem thử nguyện vọng đó của mình ở cơ hội nào trong nhóm có cơ hội, nhiều cơ hội hay rất nhiều cơ hội. Do vậy thí sinh phải lưu ý vấn đề này”- ông Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh.
Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay, nguyên tắc chung vẫn là xét theo các nguyện vọng từ cao xuống thấp, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất. Dù đã trúng tuyển tạm thời bằng các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh vẫn có quyền đăng ký ngành khác mình mong muốn bằng cách ưu tiên đặt nguyện vọng cao hơn khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu đầy đủ thông tin, nhất là tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để đăng ký sao cho hợp lý./.