Đảo thiên đường Hawaii chưa bao giờ hết đông

Tình trạng du lịch quá mức đã đe dọa đến cuộc sống của người dân Hawaii. Nhiều nhà vận động đang kêu gọi du khách hành xử tử tế, có trách nhiệm khi đến nghỉ dưỡng ở quần đảo này.

Khi một số điểm đến nổi tiếng được hồi sinh vào mùa hè năm ngoái, hàng loạt vấn đề nhức nhối bắt đầu xuất hiện. Quần đảo Hawaii (Mỹ) là một trong những nơi đang gánh chịu hậu quả của việc lượng lớn du khách đi nghỉ dưỡng đột ngột trở lại.

Kyle Kajihiro, giảng viên tại Đại học Hawaii (Mānoa), cho biết sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói đã khiến cuộc sống của người Hawaii bản địa trở nên tồi tệ hơn.

Du lịch mang lại nguồn thu lớn cho "viên ngọc của Thái Bình Dương". Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào ngành này đã dẫn đến việc người dân phải trả giá đắt là rời khỏi quê hương của mình và đối mặt với biến đổi khí hậu, tàn phá cảnh quan thiên nhiên, theo CNN.

“Tôi nghĩ rằng mọi người đến thăm những nơi như Hawaii quá dễ dàng. Nó tạo điều kiện cho du khách cảm thấy có đặc quyền”, Kajihiro nói.

 Tiểu bang thứ 50 của Mỹ đau đầu vì tình trạng quá tải khách du lịch trong những tháng gần đây. Ảnh: AP.

Tiểu bang thứ 50 của Mỹ đau đầu vì tình trạng quá tải khách du lịch trong những tháng gần đây. Ảnh: AP.

Đi du lịch có ý thức

Theo Kajihiro, tình trạng này phải được thay đổi để cải thiện tương lai của thổ dân Hawaii. Các nhà hoạt động cũng đang nỗ lực kêu gọi du khách hành xử tử tế, tôn trọng những nét văn hóa của “đảo thiên đường”. Nếu không đồng ý, họ có thể chọn không tham quan để bảo tồn tiểu bang thứ 50 của Mỹ.

Giữa đại dịch, du lịch ở Hawaii vẫn sinh lợi. Chỉ trong tháng 4, lượng khách đến đây đã chi hơn 1 tỷ USD cho các dịch vụ, theo một báo cáo đánh dấu sự phục hồi của du lịch kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, những yếu tố mang lại lợi ích cho nền kinh tế của quần đảo lại tác động tiêu cực đến cuộc sống của cư dân. Để chống lại tình trạng hạn hán, năm ngoái, mọi người được yêu cầu giảm lượng nước tiêu thụ hoặc sẽ bị phạt tiền trong khi các khu nghỉ dưỡng lớn tiếp tục sử dụng nhiều nước hơn.

Lượng du khách đến thăm Hawaii nhiều gấp nhiều lần so với số dân sống tại đây. Cụ thể, vào năm 2021, “thiên đường du lịch” có hơn 6,7 triệu khách du lịch so với 1,4 triệu cư dân.

Điều này có thể khiến lượng khí thải carbon tăng lên và các bãi biển, đường mòn trekking, kỳ quan thiên nhiên khác bị lạm dụng quá mức.

Hawaii thậm chí còn được gọi là "thủ phủ tuyệt chủng của thế giới" vì số lượng những loài quý hiếm có nguy cơ chết dần.

Nơi này cũng có chi phí sinh hoạt cao nhất xứ sở cờ hoa, một phần do chính quyền phải nhập khẩu khoảng 90% hàng hóa.

 Nhiều người bản địa khó chịu trước hành động thiếu ý thức của du khách. Ảnh: Travel Tomorrow.

Nhiều người bản địa khó chịu trước hành động thiếu ý thức của du khách. Ảnh: Travel Tomorrow.

Theo báo cáo của ProPublica và Honolulu Star-Advertiser vào năm 2020, thị trường nhà ở tại đây là một trong những nơi đắt nhất cả nước. Với nhu cầu lớn về đất đai nhưng nguồn cung lại hạn chế, người Hawaii bản địa có thể mất vài thập kỷ mới đòi lại được đất của tổ tiên.

Vào tháng 8 năm ngoái, Thống đốc Hawaii David Ige đề nghị khách du lịch trì hoãn kế hoạch du lịch cho đến ít nhất cuối tháng 10 bởi biến thể Delta lây lan nhanh khiến số ca bệnh tăng vọt, theo The Washington Post.

Tuy nhiên, thông điệp của Ige không khiến lĩnh vực du lịch ngừng lại. Trước Ngày lễ Lao động của Mỹ, lượng du khách đến Maui, hòn đảo lớn thứ hai của quần đảo Hawaii và là một trong những điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất thế giới, vượt quá mức trước đại dịch.

Du lịch quá mức từ lâu đã trở thành lời phàn nàn của người dân địa phương khi thực trạng đường sá tắc nghẽn, bãi biển đông đúc, nhà hàng chật cứng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hồi sinh Hawaii

Trong nỗ lực khôi phục lại lịch sử của “đảo thiên đường”, Kajihiro đã thành lập dự án Hawai'i DeTour.

Chương trình do ông điều hành cùng với một số nhà hoạt động khác nhằm phổ biến ảnh hưởng của ngành du lịch không khói đến người dân và tạo ra sự thay đổi về môi trường, trách nhiệm xã hội.

Mặc dù không quảng cáo rầm rộ, dự án của ông vẫn nhận được sự quan tâm lớn.

“Tôi đoán đó có thể được coi là một dấu hiệu tốt cho thấy họ muốn học hỏi và có trách nhiệm hơn với tư cách là những người đi du lịch. Nhưng cũng có nhiều người chỉ đơn giản thích sự mới lạ”, ông nói.

Vernadette Gonzalez và Hōkūlani Aikau, 2 nhà giáo dục ở Hawaii, đã mượn tên hoạt động của Kajihiro cho cuốn sách của họ, có tên "Detours: A Decolonial Guide to Hawai'i".

 Các nhà hoạt động đang cố gắng khôi phục nhiều khía cạnh của Hawaii. Ảnh: Tor Johnson/Hawaii Tourism Authority.

Các nhà hoạt động đang cố gắng khôi phục nhiều khía cạnh của Hawaii. Ảnh: Tor Johnson/Hawaii Tourism Authority.

Đây không phải là sách hướng dẫn thông thường mà nhắm đến kêu gọi hành động. Nó được biên soạn nhằm mục đích giáo dục độc giả về quá khứ, hiện tại của Hawaii và những tác động tiêu cực trong quá trình thực dân hóa, quân sự hóa và du lịch.

Gonzalez và Aikau viết rằng mối quan hệ của nhiều du khách và nơi này chỉ mang tính khai thác chứ không phải hỗ trợ. Điều này cần được thay đổi vì nó liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân địa phương.

"Đôi khi, cách tốt nhất để hỗ trợ quá trình khôi phục quần đảo là khách du lịch đừng đến nhà của chúng tôi nữa”, tác giả viết.

Thế nhưng, việc ngăn cản du khách đến Hawaii là điều không thể. Vì túi tiền rủng rỉnh của đối tượng này là nguồn thu quan trọng của quần đảo. Bên cạnh đó, nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn vẫn tiếp tục tăng dù lạm phát leo thang.

Kajihiro nói thêm thực hiện những cải tiến cơ bản đối với ngành du lịch nên bắt đầu bằng việc trả lại quyền cho người Hawaii bản địa và để họ quyết định cách chia sẻ văn hóa.

Mô hình này đã thành công ở New Zealand, nơi người Maori có quyền kiểm soát hình thức trải nghiệm và truyền tải nét đặc trưng của vùng đất.

“Khách du lịch nên tôn trọng ‘nhà’ của mọi người khi đến đây. Họ cũng có trách nhiệm bảo vệ những nơi từng đặt chân đến”, Kajihiro chia sẻ.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dao-thien-duong-hawaii-chua-bao-gio-het-dong-post1348841.html