Đằng sau hàng trăm xe hàng Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp ở Lào Cai, Lạng Sơn phản ánh về tình trạng xe hàng Việt Nam khi sang Trung Quốc giao hàng thì bị doanh nghiệp Trung Quốc giữ lại.

Theo phản ánh của lực lượng chức năng Lào Cai, từ năm 2023 đến nay đã có hơn 100 xe hàng Việt Nam bị lưu giữ trái phép tại Trung Quốc. Ở Lạng Sơn, một số doanh nghiệp (DN) cũng phản ánh về tình trạng này.

Nguyên nhân do tranh chấp hợp đồng

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, thời gian gần đây, tình trạng xe hàng Việt Nam bị lưu giữ trái phép tại Hà Khẩu (Trung Quốc) ngày càng nhiều. Thống kê không chính thức cho thấy, tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có trên 100 xe hàng Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc, trong đó có nhiều xe chở trái cây.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cho biết có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Đó là do DN Việt Nam (VN) và DN Trung Quốc (TQ) tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng, hoặc do lái xe không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bảo quản hàng hóa, gây tổn hại hàng hóa trên xe.

Vì hai bên không đạt được thống nhất trong việc bồi thường nên DN TQ giữ xe và yêu cầu lái xe hoặc chủ hàng VN bồi thường bằng tiền mặt mới trả xe về.

“Hai bên hợp đồng mua bán nhưng sau đó không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết nên mới dẫn đến tình trạng trên. Ví dụ, DN TQ hợp đồng với DN VN mua 10 xe dưa hấu. Theo hợp đồng thì DN VN phải giao đủ 10 xe dưa với chất lượng đã thỏa thuận, giao hàng trong thời hạn nhất định.

Thế nhưng DN VN lại không giao đủ hàng, hoặc khi nhận hàng DN TQ thấy chất lượng hàng bị suy giảm nên giữ xe lại, đòi DN VN phải mang tiền sang trả mới cho mang xe về” - ông Quốc chia sẻ.

Không riêng gì Lào Cai, tình trạng xe hàng Việt Nam bị DN TQ lưu giữ đòi bồi thường cũng diễn ra phổ biến ở Lạng Sơn. Ông P.H.H, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nông sản khu vực cửa khẩu Tân Thanh cho biết năm 2023, công ty của ông cũng có đến hơn 10 xe hàng bị DN TQ giữ lại khi giao hàng.

“Đợt đó tôi có 13 xe hàng bị DN TQ giữ lại, thời gian bị giữ kéo dài tới sáu tháng, thiệt hại rất lớn. Điều đáng nói là trong vụ việc này chúng tôi chỉ là khâu trung gian, thực hiện các thủ tục qua cửa khẩu kiêm vận chuyển hàng hóa” - ông H cho hay.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cập nhật đến đầu tháng 5, số lượng xe hàng VN bị lưu giữ tại TQ vẫn còn trên dưới 10 phương tiện.

Không chỉ có tình trạng xe hàng VN bị DN TQ lưu giữ mà thời gian qua, tại Lào Cai cũng ghi nhận các trường hợp phương tiện TQ bị DN VN lưu giữ, nhưng số lượng không nhiều. DN hai bên đã thỏa thuận xong, xe đã đưa về nước.

Chia sẻ về nguyên nhân bị giữ xe, người đàn ông này cho biết: Vì đã làm việc nhiều năm, tạo được sự tin tưởng, nên khi chủ hàng VN (nằm ở các tỉnh phía trong) giới thiệu có vùng nguyên liệu với sản lượng 200 tấn, qua video, hình ảnh nhìn chất lượng hàng hóa rất tốt nên DN TQ đồng ý mua và tin tưởng chuyển tiền. Chủ hàng VN thuê công ty của ông H làm đơn vị vận chuyển, giao hàng sang cho DN TQ.

 Xe hàng tham gia xuất khẩu tại cửa khẩu ở Lào Cai. Ảnh: BQLKKTCKLC

Xe hàng tham gia xuất khẩu tại cửa khẩu ở Lào Cai. Ảnh: BQLKKTCKLC

Tuy nhiên, khi giao hàng thì chủ hàng VN không giao được đủ số lượng và chất lượng lại không tốt như trong video đã gửi trước đó. Do vậy, phía DN TQ nghi ngờ, giữ các xe hàng lại để ép nhà xe gọi cho chủ hàng VN phải chuyển trả đủ tiền thì họ mới trả xe về. Sau đó, phía DN VN cũng ra làm việc và chuyển trả được cho DN TQ ít tiền, bên ông H cũng phải trả thêm ít tiền, cộng với phải trả tiền bến bãi, mỗi xe gần chục triệu đồng, thì mới mang được xe về.

“Trường hợp của tôi vẫn còn may mắn khi chủ hàng VN có thiện chí hợp tác, có những vụ việc mà chủ hàng VN bỏ mặc nhà xe tự xoay sở, thiệt hại còn lớn hơn nhiều” - ông H nói.

Giao kết hợp đồng còn lỏng lẻo, chủ yếu là giao dịch miệng

Bà L.T.L, một DN xuất nhập khẩu khác ở khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn cũng cho hay thường xuyên gặp tình trạng xe hàng VN bị DN TQ giữ lại. Tình trạng này gặp nhiều ở các mặt hàng trái cây, kể cả các loại có giá trị kinh tế cao như sầu riêng.

“Ngoài các trường hợp DN VN cố ý không thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu, thì cũng có trường hợp hợp phía DN VN muốn đóng hàng chuẩn, hàng tốt cho phía DN TQ nhưng gặp tình huống bất khả kháng như tắc đường nên thời gian giao hàng bị kéo dài, hàng sang đến nơi đã hư hỏng.

Hoặc cũng có trường hợp lái xe không quen chạy container lạnh, hoặc lái xe cố tình cắt xén bớt dầu không chạy container lạnh để hưởng lợi số tiền dầu cắt xén đó nên lô hàng không đủ lạnh, bị hư hỏng. Khi hàng sang mà chất lượng không tốt, DN TQ giữ xe ngay” - bà L nói.

Có một điểm đáng chú ý, theo chia sẻ của những DN này, những trường hợp bị giữ xe hàng thì đa phần là giao kết hợp đồng còn lỏng lẻo, chủ yếu là giao dịch miệng, tự thỏa thuận, mua bán bằng sự tin tưởng mà không có hợp đồng văn bản với các điều khoản chặt chẽ. Ngay cả giao dịch giữa đơn vị vận chuyển và DN trong nước tuy được lập thành văn bản nhưng nội dung cũng rất sơ sài, chỉ tập trung vào giá cước, số tiền, thời điểm thanh toán.

Giải pháp thế nào?

Theo chia sẻ của nhiều DN, phải làm việc với nhau nhiều lần, tạo được uy tín thì DN TQ mới tin tưởng giao tiền trước. Hiện tỉ lệ DN TQ chuyển tiền trước khi nhận hàng chiếm khá nhiều. Số tiền chuyển cũng khá cao, chiếm đến 50%, thậm chí 80% giá trị hợp đồng.

“Tôi lo nếu tình trạng này xảy ra nhiều quá thì các DN TQ sẽ mất niềm tin khi làm ăn với DN VN, các chủ hàng TQ, nhà xe vận tải cũng không dám chuyển hàng nữa” - ông H lo lắng.

 Xe hàng nằm chờ xuất khẩu ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: AH

Xe hàng nằm chờ xuất khẩu ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: AH

Để ngăn ngừa tình trạng xe hàng VN bị lưu giữ tại TQ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo các chủ hàng VN phải tìm hiểu và trao đổi kỹ với người mua TQ về các tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật mà bên đó yêu cầu để đáp ứng.

Một cách nữa là mời khách hàng TQ sang kiểm tra, nhận hàng bên Việt Nam. Nếu có hàng hóa nào không đúng quy cách yêu cầu thì loại bỏ luôn, sau đó mới đưa xe sang TQ.

“DN VN và DN TQ khi giao dịch với nhau phải có hợp đồng. Trong hợp đồng phải quy định rõ các yêu cầu về phẩm cấp, chất lượng hàng hóa. DN vận tải cũng phải có hợp đồng với DN chủ hàng để ràng buộc chủ hàng phải đáp ứng các điều kiện của phía TQ, thậm chí không nhận chở cho các chủ hàng có hàng bị "mắc" nhiều lỗi.

Vấn đề quan trọng nữa là cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN hai bên, chứ cứ làm theo thói quen, dễ dãi như thế thì không được” - ông Hải nhấn mạnh.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cho biết sau khi nhận được phản ánh của DN, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã tổ chức các buổi làm việc với Ban Kinh tế Hà Khẩu (TQ) để tìm giải pháp tháo gỡ.

Trong buổi làm việc, Ban Kinh tế Hà Khẩu cho biết phía bạn đã thành lập một tổ chấp pháp để tuyên truyền cho các DN biết và chấp hành các quy định pháp luật của mỗi bên. Tuy nhiên, phía Hà Khẩu cũng đề nghị phía VN tuyên truyền cho các DN phải nắm được các quy định pháp luật.

“Qua các trường hợp này cho thấy DN hai bên vẫn làm ăn chưa chính quy, hợp đồng chưa chặt chẽ. Để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh gây thiệt hại không đáng có cho các DN xuất khẩu và DN vận tải của Việt Nam, chúng tôi khuyến cáo các DN tham gia xuất nhập khẩu tại cửa khẩu cần nâng cao tính pháp lý, chính quy trong các giao dịch mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Các DN vận tải trước khi nhận vận chuyển hàng hóa thì đề nghị các lái xe làm rõ các nội dung, điều khoản của hợp đồng với chủ hàng phía VN về tình trạng hàng hóa, phương tiện... trách nhiệm của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra ở phía bên TQ” - ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai cho hay.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dang-sau-hang-tram-xe-hang-viet-nam-bi-luu-giu-tai-trung-quoc-post789612.html