Đạm Cà Mau (DCM) hoàn tất thương vụ thâu tóm nhà máy NPK vốn hơn 2.000 tỷ đồng

Nhà máy Phân bón Hàn - Việt đã chính thức trở thành công ty con do Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) sở hữu 100% vốn. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy cho nhiều mảng kinh doanh của Đạm Cà Mau.

Ban lãnh đạo mới của Phân bón Hàn - Việt ra mắt khi chính thức trở thành công ty con của Đạm Cà Mau.

Ban lãnh đạo mới của Phân bón Hàn - Việt ra mắt khi chính thức trở thành công ty con của Đạm Cà Mau.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa có thông báo cho biết Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho Công ty TNHH MTV Phân bón Hàn - Việt.

Phân bón Hàn Việt hiện có vốn điều lệ gần 2.054 tỷ đồng do Đạm Cà Mau sở hữu 100%. Như vậy, thương vụ mua lại Phân bón Hàn - Việt của Đạm Cà Mau chính thức hoàn tất.

Nhà máy Phân bón Hàn - Việt do Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD. Nhà máy này có tổng công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2017.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, Đạm Cà Mau và Tập đoàn Taekwang đã tiến hành ký kết thỏa thuận bàn giao Phân bón Hàn - Việt. Về mức giá thực hiện thương vụ, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau từng tiết lộ, giá trị thương vụ tối đa khoảng 25 triệu USD.

Đây được đánh giá là mức giá “tốt” cho Đạm Cà Mau khi Nhà máy Phân bón Hàn - Việt có diện tích khoảng 8,8 ha tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh, và đang có sẵn hệ thống phân phối sản phẩm.

Việc thâu tóm thành công Phân bón Hàn - Việt kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Đạm Cà Mau, giúp tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm trong bối cảnh Nhà máy NPK của Đạm Cà Mau đang hoạt động tối đa công suất.

Phân bón Hàn - Việt cũng sẽ góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm hiện nay của Đạm Cà Mau. Hiện Đạm Cà Mau đang là doanh nghiệp duy nhất trong nước có khả năng sản xuất ure hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Với vị trí địa lý chiến lược và kho bãi rộng, Phân bón Hàn - Việt còn giúp Đạm Cà Mau thâm nhập sâu vào những thị trường NPK tiềm năng lớn ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, và miền Trung. Do nhà máy NPK hiện tại của Đạm Cà Mau chủ yếu phục vụ thị trường Tây Nam Bộ và Campuchia. Tại khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau chiếm đến 61% thị phần.

Ngoài ra, kể từ ngày 15/07/2023, thuế xuất khẩu phân bón NPK đã giảm về 0%, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho mảng NPK của Đạm Cà Mau, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp này đã có nhiều bạn hàng xuất khẩu lâu năm.

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau kỳ vọng sản lượng bán hàng của Phân bón Hàn - Việt sẽ tăng lên và hết lỗ vào cuối 2024, bắt đầu có lãi từ năm 2025. Đạm Cà Mau còn có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp NPK khác khi có khả năng tự chủ được nguồn phân ure đầu vào.

Xét về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2024, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744 tỷ đồng, nhích tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tới 52%, đạt 350 tỷ đồng; qua đó, hoàn thành 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm--hoan-tat-thuong-vu-thau-tom-nha-may-npk-von-hon-2-000-ty-dong-121442.htm