Đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với phát triển hạ tầng giao thông
Xác định công tác đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là một trong nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), thời gian qua, công tác này luôn được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông luôn được bảo đảm an toàn, thông suốt, từng bước kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Với mục tiêu đảm bảo các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm chi phí trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chú trọng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, bảo trì, phát hiện kịp thời hư hỏng để sửa chữa, khắc phục từ sớm. Đặc biệt, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng loạt các giải pháp để huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường và kéo giảm tai nạn giao thông.
Tại Bình Phước, nằm trong các hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước đã thường xuyên tập trung chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm đối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng, hành vi xâm phạm, lấn chiếm các công trình đường bộ, gây mất ATGT.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở đối với nhiều trường hợp đơn vị thi công không bảo đảm ATGT trong quá trình thi công trên đường đang khai thác, nhưng chưa đến mức phải xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cơ quan này cũng thường xuyên tiến hành rà soát, phát hiện và tiến hành duy tu, bảo dưỡng kịp thời các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp; điều chỉnh, bổ sung hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Còn tại tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương cùng với sự nỗ lực của tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Kon Tum đến nay đạt được kết quả tích cực cả về chất và lượng; cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh và phục vụ kết nối với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025, trong đó, tập trung vào việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistic chuyên ngành vận tải và tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều bước tiến trong việc đổi mới, xây dựng các chiến lược, hoạch định về tầm nhìn trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 11 dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tổng mức đầu tư các dự án hơn 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, giúp kết nối thuận lợi với cả nước và các nước trong khu vực; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho đô thị và nông thôn trên địa bàn.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông, các điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý và khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông theo thẩm quyền khi có kiến nghị của các cơ quan liên quan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu tiên tiến để làm tăng hiệu quả, chất lượng bảo trì công trình đường bộ trong điều kiện hiện nay tại địa phương; tham mưu công tác quản lý, kiểm soát xe quá tải để bảo vệ công trình đường bộ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Có thể khẳng định rằng, chất lượng hạ tầng kỹ thuật giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Việc khắc phục kịp thời những bất cập về tổ chức giao thông, chất lượng công trình xuống cấp sẽ giúp ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông cho người đi đường. Đồng thời, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ giúp cho hoạt động giao thương giữa các tỉnh ngày càng có sự thuận tiện, rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí, phát huy hiệu quả liên kết vùng; qua đó, tạo ra đột phá để phát triển bền vững về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.