Đắk Nông điều nước chống hạn cho cây trồng

Trước tình hình khô hạn phức tạp, việc vận hành, điều tiết nguồn nước trên sông Krông Nô linh hoạt, hiệu quả đã góp phần bảo đảm nguồn nước tưới cho vùng hạ du.

Gia đình anh Bàn Văn Minh có 0,5ha cà phê và 0,4ha lúa tại thôn Nam Dao, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô. Hai khu rẫy của anh nằm gần khu vực trạm bơm số 2 trên sông Krông Nô, do Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Krông Nô (Công ty Thủy lợi Krông Nô) quản lý, vận hành. Cứ tới chiều tối khi trạm bơm hoạt động thì anh Minh lại ra rẫy để canh nước tưới cho cây.

Trong lúc nắng nóng, rẫy cà phê của ông Bàn Văn Minh, ở xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô vẫn xanh tốt nhờ có nguồn nước tưới

Anh Minh chia sẻ: Thủy điện họ chạy máy nên mùa khô này sông Krông Nô vẫn có nước. Mỗi lần nước về cao là trạm bơm lại hoạt động nhanh chóng. Nước hay về buổi tối nên việc lấy nước có phần vất vả hơn nhưng còn nước tưới đã là may mắn lắm rồi.

Trong vụ đông xuân 2023 - 2024, huyện Krông Nô sản xuất hơn 4.000ha cây ngắn ngày. Tổng diện tích cây trồng cần nước tưới tại địa phương khoảng 49.000ha. Trong đó, phần lớn diện tích cây trồng tại các xã dọc sông Krông Nô như: Nâm N’đir, Buôn Choáh, Quảng Phú… phụ thuộc nước tưới vào việc vận hành hồ thủy điện Buôn Tua Srah.

Ngay từ đầu năm 2024, huyện Krông Nô và Công ty Thủy lợi Krông Nô cùng Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện Buôn Tua Srah) đã làm việc, thống nhất kế hoạch vận hành hồ chứa thủy điện. Các bên đã thống nhất vận hành hồ chứa nhà máy thủy điện theo hướng linh hoạt, hiệu quả.

Việc vận hành các hồ chứa thủy điện trên sông Krông Nô có tác động rất lớn tới nguồn nước tưới vùng hạ du

Hồ chứa Buôn Tua Srah có dung tích 522 triệu m3. Hạ lưu sông Krông Nô sau hồ chứa Buôn Tua Srah dài gần 60km, thuộc khu vực giáp ranh giữa Đắk Nông và Đắk Lắk. Việc điều tiết nguồn nước hồ chứa thủy điện có ảnh hưởng rất lớn tới vùng hạ du 2 địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, vào thời điểm từ 9h đến 15h, hệ thống lưới điện chủ yếu khai thác năng lượng điện mặt trời. Các nhà máy thủy điện sẽ được khai thác ở thời điểm khác (từ 15h hàng ngày) để bảo đảm an ninh hệ thống điện.

Sau khi thống nhất với địa phương, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã tổ chức vận hành tổ máy xả nước về hạ du với lưu lượng tối thiểu 80m3/giây, liên tục 12 tiếng, bắt đầu từ khoảng 15h hàng ngày. Thời gian vận hành được áp dụng từ tháng 2 - 7/2024.

Ông Đức cho hay: Dù lưu lượng nước về hồ thấp hơn so với hàng năm nhưng chúng tôi cam kết sẽ vận hành theo phương án đã được thống nhất. Bên cạnh việc duy trì nguồn nước ổn định, chúng tôi rất mong các địa phương, đơn vị chức năng vùng hạ du có giải pháp công trình thủy lợi như: nạo vét kênh mương, tăng công suất bơm… để khai thác hiệu quả nguồn nước.

Từ đầu năm tới nay, Công ty Thủy lợi Krông Nô đã phối hợp chặt chẽ với thủy điện để nắm được lịch vận hành nguồn nước. Do thủy điện vận hành vào 15h chiều nên mực nước sông Krông Nô vùng hạ du tăng dần và đủ bơm vào chiều tối. Căn cứ vào lịch vận hành thủy điện, Công ty Thủy lợi Krông Nô yêu cầu các nhân viên túc trực và vận hành trạm bơm ngay khi mực nước sông tăng đủ để bơm.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Krông Nô đang vận hành tốt các trạm bơm dọc sông Krông Nô

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Hà, tình hình khô hạn đầu năm 2024 diễn biến phức tạp khiến hàng ngàn ha cây trồng tại địa phương thiếu nước tưới, ảnh hưởng tới năng suất. Riêng các xã dọc sông Krông Nô, nguồn nước tưới được cung ứng bảo đảm, không xảy ra khô hạn.

“Thủy điện đã duy trì nguồn nước ổn định cho vùng hạ du và phía Công ty Thủy lợi Krông Nô đã có giải pháp vận hành trạm bơm theo lịch điều tiết nước. Việc sử dụng nguồn nước linh hoạt, hiệu quả đã góp phần giảm thiệt hại về khô hạn tại địa phương”, ông Hà cho hay.

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-dieu-nuoc-chong-han-cho-cay-trong-211033.html