Đắk Lắk trải 'thảm đỏ' đón nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp
Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đắk Lắk cam kết đồng hành, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản.
Nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp
Sáng 28/4, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 với chủ đề “Thu hút đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, tạo diễn đàn cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triển. Thông qua hội nghị nhằm thu hút đa dạng hóa các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 xấp xỉ 75 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015.
Không chỉ vậy, Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, trong đó có gần 40% đất đỏ bazan màu mỡ, nhiều sông hồ, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp với các loại cây trồng như: cà phê, cao su và các loại cây ăn trái, cây dược liệu, rất thích hợp để phát triển ngành trồng trọt và chăn nuôi.
Toàn tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích trên 600ha. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc trưng đã mang đến cho tỉnh tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là thủy điện, điện gió, điện mặt trời..., cùng hệ thống truyền tải thuận lợi, là nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Không chỉ vậy, với dân số gần 2 triệu người và Tp.Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây nguyên, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ổn định..., tỉnh Đắk Lắk là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp hàng đầu ở khu vực. Đồng thời, cung cấp được lực lượng lao động đông đảo, có chất lượng cho nhu cầu của tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước.
Mặt khác, Đắk Lắk còn là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Cùng với các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên và mang trong mình bản sắc văn hóa đa dạng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng...
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Đắk Lắk đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp,... Từ đó, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới, để đưa nông nghiệp Đắk Lắk phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu theo hướng sinh thái, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung tháo gỡ những khó khăn. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển lĩnh vực thủy sản (mới chiếm 3% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh), đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Phát triển mạnh, nhân rộng các mô hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: “Nhiệm vụ đặt ra cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Tôi tin tưởng, hội nghị ngày hôm nay sẽ tạo động lực mới, nguồn sinh khí mới góp phần cho Đắk Lắk có nhiều đột phá mới; truyền tải mạnh mẽ tinh thần đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, tạo “cú hích lớn” thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Đắk Lắk. Qua đây, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí Thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho hay, với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, tỉnh Đắk Lắk khẳng định sẽ luôn song hành, hỗ trợ, lắng nghe và hợp tác để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững. Với chủ trương này, tỉnh Đắk Lắk luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính…; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng cam kết cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp với hoạt động đầu tư; hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động...
“Với phương châm “Các nhà đầu tư đầu tư tại Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Đắk Lắk”, chúng tôi luôn trân trọng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Đắk Lắk. Sự thành công, thịnh vượng, phát đạt của quý vị chính là mong muốn, là thành quả phát triển chung của Đắk Lắk” – ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1 ngàn tỷ đồng; trao 8 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư là trên 23 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, giới thiệu 109 danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh Đắk Lắk để các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết, nghiên cứu và đến tìm hiểu đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng để hoạt động thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến và khởi sắc trong thời gian tới, góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương, giúp cho tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.