Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Kết tinh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Kéo dài hơn 20 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng kẻ thù lớn mạnh, hung bạo nhất với những vũ khí vô cùng tối tân. Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã viết nên trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Tư liệu

Với cuồng vọng “đẩy lùi miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn người gồm quân Mỹ và quân 5 nước chư hầu của Mỹ làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân ngụy. Nếu tính cả số quân đóng ở nước ngoài tham chiến ở Việt Nam thì chúng đã sử dụng hơn 80 vạn quân Mỹ và trong cả cuộc chiến tranh, chúng đã động viên tới 6 triệu lượt binh sĩ Mỹ, ném xuống đất nước ta 7,85 triệu tấn bom và tiêu tốn 352 tỷ USD. Ngoài ra, chúng còn dùng những phát minh khoa học, kỹ thuật mới nhất để gây vô vàn tội ác hủy diệt đối với nhân dân ta.

Thực tế lịch sử đã cho thấy, một Việt Nam nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, kinh tế lại nghèo nàn, lạc hậu đã chiến thắng đế quốc Mỹ giàu về kinh tế, mạnh về quân sự. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ, thời nào cũng vậy, sức mạnh dân tộc luôn là nguồn nội lực quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của các cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, sức mạnh dân tộc chỉ được khơi dậy, phát huy khi có đường lối kháng chiến đúng đắn do lực lượng lãnh đạo kháng chiến đề ra. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường lối chiến lược giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng đề xướng đã đáp ứng yêu cầu của mục tiêu tối cao chống xâm lược, thống nhất đất nước. Chính vì có đường lối chiến lược đúng đắn, phù hợp nên Đảng đã tổ chức, động viên được sức mạnh toàn dân và tăng sức mạnh ấy lên tầm cao mới.

Ở miền Nam, từ đầu năm 1959 đến cuối năm 1960, dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 và tinh thần chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của các đảng bộ ở miền Nam, phong trào Đồng khởi của nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, đồng thời, tạo ra bước phát triển nhảy vọt của lực lượng cách mạng cả về quân sự và chính trị. Trên thực tế, nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, tinh thần đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc, Đảng đã xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, của Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể quần chúng. Xây dựng và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất trên hai miền đất nước là một thành công điển hình của Đảng về tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở vững chắc để tổ chức, huy động lực lượng toàn dân đánh giặc.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ hậu phương lớn miền Bắc, lớp lớp thanh niên trong đội hình của những đoàn quân nối tiếp nhau “vượt Trường Sơn” ra chiến trường. Dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi con đường vận chuyển chiến lược nối liền Bắc - Nam đi qua cũng chính là nơi thử lửa đầu tiên đối với mỗi con người mang trên mình sứ mệnh lịch sử “chống Mỹ, cứu nước”. Những đoàn quân đi vào chiến trường ngày ấy phải xuyên qua rừng già, vượt bao thác ghềnh, bao núi cao, suối sâu, vực thẳm, qua những cung đường, trọng điểm đánh phá ngăn chặn quyết liệt của địch. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt và bom đạn của kẻ thù đã không thể ngăn được bước chân của những đoàn quân ra trận. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh, từ hậu phương miền Bắc, hơn 1.300.000 cán bộ, chiến sĩ cùng với hàng chục triệu tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật đã vượt Trường Sơn, vượt biển Đông vào tới các chiến trường.

Dinh Độc Lập là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975. Ảnh: Tất Dũng

Những năm tháng “cả nước ra trận”, đâu đâu cũng bắt gặp các khẩu hiệu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”... Các khẩu hiệu đó đã biến thành những hành động cách mạng thiết thực và được biểu hiện bằng cao trào thi đua có tính chất quần chúng rộng rãi: Sóng Duyên Hải trong công nghiệp, Gió Đại Phong trong nông nghiệp, Ba nhất trong Quân đội, Trống Bắc Lý trong giáo dục...

Các phong trào Ba sẵn sàng, Năm xung phong, Ba đảm đang và nhiều phong trào thi đua yêu nước khác nữa đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một biểu tượng chói sáng cho sức sống, sức vươn dậy của một dân tộc sẵn lòng yêu nước, có ý thức giác ngộ cách mạng cao độ, có ý chí, niềm tin và quyết tâm phấn đấu hy sinh tất thảy cho độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã tạo ra và nhân lên sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã giành được toàn thắng bằng 3 trận đánh then chốt: Trận mở đầu đánh Buôn Mê Thuột giải phóng toàn bộ Tây Nguyên; trận thứ hai giải phóng Huế, Đà Nẵng và quét sạch địch ở ven biển miền Trung; trận kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh còn lại của Nam Bộ. Hơn 1 triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan. Chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng qua 5 đời tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, trải qua hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hoàn thành nhiệm vụ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”.

Hà Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dai-thang-mua-xuan-nam-1975-ket-tinh-cua-chu-nghia-anh-hung-cach-mang-voi-truyen-thong-yeu-nuoc-cua-dan-toc-viet-nam-post475204.html