Đãi ngộ cao hơn để thu hút nhân lực chất lượng về Thủ đô

Đây là đề xuất của đại biểu Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang) khi góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10.11.

Trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật Thủ đô 2012 và bổ sung các nội dung về tổ chức chính quyền tại Thủ đô, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô và liên kết, phát triển vùng Thủ đô, dự thảo Luật quy định về vị trí, vai trò; tổ chức chính quyền; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư; xây dựng, quản lý, bảo vệ Thủ đô và liên kết vùng Thủ đô.

Để tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực, nhưng vẫn bảo đảm minh bạch và thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật bổ sung 1 điều quy định về áp dụng Luật Thủ đô.

Theo đó, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô.

Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành mà có quy định khác với Luật Thủ đô thì phải xác định việc áp dụng quy định theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, khoản 2 Điều 55 của dự thảo Luật yêu cầu khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì các bộ, cơ quan ngang bộ phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì cần thống nhất ý kiến với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xác định việc áp dụng theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó.

Đồng thời, điểm d khoản 5 Điều 57 dự thảo Luật giao UBND thành phố Hà Nội nhiệm vụ: “Tham gia ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có quy định liên quan đến các chính sách, cơ chế đặc thù quy định tại Luật này”.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), cần nghiên cứu và bổ sung vào dự thảo Luật quy định: với những vấn đề Luật Thủ đô giao HĐND, UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết hoặc với những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố thì nội dung có thể khác với quy định của các luật khác hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước cấp trên.

Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Về phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm, tại điểm b khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật quy định thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng và giao HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Đồng tình nội dung này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, việc có cơ chế để thành phố Hà Nội được chủ động hơn về biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao là cần thiết song cần nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp quy định của Đảng.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng cần nghiên cứu bổ sung nhóm thủ khoa các trường đại học.

"Chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài đã có những văn bản Chính phủ và Thủ tướng áp dụng chung cả nước nhưng với Hà Nội cần quy định cụ thể, chế độ đãi ngộ cao hơn để thực sự thu hút được nhân lực chất lượng cao, tạo được sự đột phá cho Thủ đô".

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang). Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang). Ảnh: Quang Khánh

Về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, điểm a khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật quy định: HĐND thành phố Hà Nội quy định chế độ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán...

HĐND cấp tỉnh chỉ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về các nội dung nêu trên áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

"Vài tháng nữa, Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực thi hành, do đó, Luật Thủ đô không nên đặt khác so với Luật Khám chữa bệnh", đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề xuất.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/dai-ngo-cao-hon-de-thu-hut-nhan-luc-chat-luong-ve-thu-do-i349585/