Đại biểu không đồng tình việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất xây đô thị
Các đại biểu Quốc hội cho rằng khi sửa Luật Đất đai cần quy định rõ trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh xảy ra khiếu kiện khi lợi ích không hài hòa giữa các bên.
Trong số 8 đại biểu Quốc hội phát biểu đầu giờ sáng thì có khoảng một nửa bàn về vấn đề thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là một trong những vấn đề nóng nhất nghị trường khi Quốc hội thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi sáng 14/11. Lần sửa Luật này dự kiến kéo dài trong 3 kỳ họp, đây là kỳ đầu tiên Quốc hội bàn.
Các đại biểu cho rằng thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong sửa luật lần này bởi thu hồi đất và chuyển quyền sở hữu sang một chủ thể khác luôn tiềm ẩn phát sinh những mâu thuẫn dẫn tới khiếu kiện.
"Thu hồi đất là vấn đề rất phức tạp, liên quan mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Báo cáo của các cơ quan hữu quan cho thấy khiếu nại tố cáo liên quan thu hồi đất chiếm gần 70% tổng số", Đại biểu Tô Văn Tám nói.
Tranh luận ai đứng ra thu hồi đất
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng cần làm rõ điều kiện thu hồi đất như Hiến pháp quy định là vì mục đích an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng. Bà đặt câu hỏi thu hồi đất trong trường hợp "thật cần thiết" là như thế nào và phải quy định rất rõ trong Luật.
Không thể để người dân bị thu hồi đất rơi vào thế bị động, thiệt thòi khi giá đền bù không bằng giá thị trường.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)
"Theo từ điển tiếng Việt, thật cần thiết là rất cần và không thể không làm. Do đó, chúng ta phải quy định những trường hợp thu hồi đất phải đáp ứng điều này", đại biểu nói và nêu thực tế thời gian vừa qua vấn đề thu hồi đất tràn lan, thậm chí có nhiều dự án thu hồi rồi nhưng không thực hiện, hoặc chuyển quyền sử dụng mục đích khác.
Khi thu hồi đất, đại biểu đề nghị cần đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không thể để người dân bị thu hồi đất rơi vào thế bị động, thiệt thòi khi giá đền bù không bằng giá thị trường.
Đồng tình với điều này, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) trong dự thảo Luật mà Chính phủ trình chưa làm rõ được việc "thật cần thiết" là như thế nào. Ông đề nghị cần làm rõ tiêu chí, tách biệt hoàn toàn các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế, thuần mục đích thương mại.
"Nhà nước không nên thu hồi đất để xây dựng đô thị, khu dân cư. Thời gian qua các dự án này mang lại lợi ích cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Nhưng việc này lại phát sinh rất nhiều khiếu kiện. Nguyên nhân là Điều 63 trong Luật hiện hành quy định rất chung chung", ông nói và đề nghị với các dự án thuần thương mại cần tiếp tục cơ chế thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, tách biệt hoàn toàn với trường hợp thu hồi vì an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng dự án nào người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận được thì rất tốt, nhưng thực tế ở Hưng Yên thì nhiều nhà đầu tư thiệt hại và không thể triển khai dự án khi một số ít người dân không chấp nhận đàm phán.
"Nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền rất lớn, gấp nhiều lần thỏa thuận đền bù trước đó với các hộ dân khác. Thậm chí có những trường hợp giá nào cũng không nhận. Nếu chấp nhận thì gây mâu thuẫn chính trong cộng đồng người dân", ông nói.
Đại biểu cho rằng vẫn nên cân nhắc vấn đề Nhà nước thu hồi đất, sau đó lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu đấu giá. Làm được như vậy thì phải có mặt bằng sạch. Vấn đề là Nhà nước phải thu hồi cần hài hòa 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chính quyền địa phương nên độc lập trong việc định giá đất
Vấn đề giá đất được định như thế nào cũng được các đại biểu bàn luận. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân cần xem xét thấu đáo vì vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.
"Cần nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận trong chuyển quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp hay thỏa thuận về giá đất", ông đề nghị cơ quan soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổng kết từ thực tiễn, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài.
Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng cùng một khu vực, nếu Nhà nước thu hồi đền bù theo giá Nhà nước. Nhưng cũng ở khu vực đó, điều kiện như nhau, doanh nghiệp thỏa thuận thì giá cao hơn. Do vậy phát sinh sự so bì và khiếu nại. Ông đề nghị xem xét việc định giá đất và có cơ chế kiểm soát thảo thuận.
Về việc áp giá đền bù, đại biểu đánh giá cao quan điểm của cơ quan soạn thảo khi đền bù theo đơn giá xây dựng mới, chứ không theo hiện trạng thu hồi đất.
"Đây là cách tiếp cận rất hay. Nếu đền bù giá theo khấu hao tài sản thì người dân không thể xây dựng nhà ở chỗ mới, điều này đảm bảo họ xây dựng được nơi ở mới", ông nói.
Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng việc định giá đất thì cơ quan thẩm định giá theo cơ chế thị trường thì nên độc lập hoàn toàn với cơ quan UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, cần có sự tư vấn của đơn vị chuyên môn trong định giá, có ràng buộc trách nhiệm, quy định rõ năng lực và tiêu chuẩn.
Ông cũng nhấn mạnh việc định giá đất thì cần phải làm công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến các bên liên quan. Bởi thực tiễn cho thấy khiếu kiện đất đai do thiếu hài hòa lợi ích, câu chuyện được mất khác nhau.
"Khiếu kiện đất đai do thiếu hài hòa lợi ích, kể được người mất. Có doanh nghiệp thâu tóm đất với giá rẻ, mua đi bán lại, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, người dân thì bàn giao đất với giá rất thấp", ông nêu thực tiễn.
Đề xuất bổ sung quy định đất ở có thời hạn
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung đất ở có thời hạn vào Luật. Ông cho rằng nếu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích; hạn chế đầu cơ, phân lô, bán nền; khuyến khích đầu tư giá trị tài sản trên đất, kéo giảm giá đất ở...
Ông nhấn mạnh nếu làm vậy thì quỹ đất không mất đi, mà mở rộng, đảm bảo nhà ở cho người dân phù hợp thu nhập, đạt mục tiêu đất đai là tư liệu sản xuất chứ không phải hàng hóa đầu cơ hàng thập kỷ.
Ngoài ra, vướng mắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho 90.000 căn condotel, officetal, biệt thự biển... sẽ được tháo gỡ. Như vậy, tài khoản của hàng nghìn nhà đầu tư được chính danh, có tính thanh khoản, giảm rủi ro nợ xấu.
"Đây là mục tiêu nhắm đến nhiều đích', ông nói.
Bàn về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng Điều 81 dự thảo luật, hạn mức chuyển quyền được quy định tăng từ 10 lần (Luật hiện hành) lên mức 15 lần. Ông cho rằng việc tăng lên như vậy vẫn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu
"Đề nghị đánh giá cơ sở khoa học của việc tăng từ 10 lần lên 15 lần. Tôi cho rằng mức 15 lần vẫn chưa phù hợp với nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cơ giới hóa", ông nói.
Theo đại biểu, nếu quy định như trong Luật là lực cản thực tiễn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp, người có năng lực muốn mở rộng diện tích đất thì không được chuyển quyền, càn trở đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
"Cần sửa đổi quy định chỉ cần quy định hạn mức nhận, chứ không quy định hạn mức chuyển quyền", ông nói.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần cẩn trọng với tích tụ ruộng đất, có thể dẫn đến nguy cơ nhiều người dân không có ruộng để làm ăn, kinh doanh. Ông đề nghị Quốc hội quy định chi tiết điều này.