Cước vận tải biển sắp hạ nhiệt?
Đà tăng giá cước vận tải biển giữa Trung Quốc và Mỹ đã lên đỉnh điểm và có dấu hiệu lao dốc khi tình trạng thiếu nhiên liệu ở Trung Quốc ngày càng thêm trầm trọng.
Theo Nikkei Asia, chi phí vận chuyển giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm mạnh sau khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng 9. Nguyên nhân có thể là thời điểm vãn khách đang đến đến gần. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng đang gián đoạn quá trình sản xuất của Trung Quốc. Do đó, nhiều nhà đầu cơ đã đổ xô bán các điểm vận chuyển tích trữ mà họ đã gom trước đó.
Giá vận tải từ Trung Quốc đi Mỹ đã giảm gần một nửa so với mốc đỉnh lịch sử.
Một giám đốc điều hành của công ty vận tải hàng hóa ở Thượng Hải cho biết, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây Mỹ đã giảm gần một nửa, từ khoảng 15.000 USD xuống chỉ còn hơn 8.000 USD trong tuần cuối tháng 9/2021. Tỉ giá giao ngay cho vận chuyển đến Bờ Đông đã giảm hơn một phần tư từ hơn 20.000 USD xuống dưới 15.000 USD.
Trước đại dịch, tỉ lệ này thường vào khoảng 1.500 USD. Chi phí vận chuyển đã tăng vọt kể từ khi bắt đầu đại dịch. Về phía nhu cầu, người tiêu dùng Mỹ ở nhà chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng lâu bền, chẳng hạn như thiết bị tập thể dục và đồ nội thất.
Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên khắp thế giới đã dẫn đến tình trạng khan hiếm container. Các nhà khai thác đã đầu cơ “găm” container để kiếm lợi nhuận từ việc giá cả tăng cao.
Matson, một trong những công ty vận tải container lớn nhất Mỹ cũng hoạt động trên tuyến Trung Quốc - Mỹ cho biết, họ không liên quan gì đến việc giảm giá vận chuyển giao ngay và giá cước vận chuyển dài hạn.
Một nhà phân tích tại Tianfeng Securities cho biết các công ty vận tải thường ấn định mức giá dài hạn, nhưng mức giá giao ngay do các nhà giao nhận báo giá là giá thị trường thực tế do cung và cầu quyết định.
Nhiều mức phí dài hạn được niêm yết trên Sàn giao dịch Vận tải Thượng Hải để vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Mỹ là dưới 5.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức phí giao ngay.
Nhiều tỉnh trên khắp Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động sản xuất để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng, cũng như cố gắng đáp ứng các mục tiêu kiểm soát tiêu thụ năng lượng của chính phủ trung ương. Nguồn tin từ công ty vận tải Thượng Hải cho biết, khi các quy định hạn chế sản xuất bắt đầu được thực hiện, những “tay to” đầu cơ đã bán tháo các điểm chứa container tích trữ của họ. Điều này cũng góp phần đẩy giá vận chuyển đi xuống.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc kéo dài 7 ngày (1/10 - 7/10) cũng khiến các nhà bán lẻ phải vội vàng bán bớt các điểm chứa container.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về cước vận chuyển đường biển trong tương lai gần. Một báo cáo nghiên cứu của CSC Financial cho biết giá vận chuyển sẽ ở mức tương đối cao trong hai tuần tới khi các cảng của Hoa Kỳ tiếp tục tắc nghẽn và khoảng cách giữa cung và cầu vẫn còn lớn.
Ở hướng ngược lại, nhà phân tích của Tianfeng Securities lại dự đoán giá vận chuyển sẽ giảm do tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ chậm lại trong quý 4, thời điểm trái vụ của vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cuoc-van-tai-bien-sap-ha-nhiet-60020.html