Cuộc chiến nhiên liệu toàn cầu leo thang

Các quốc gia trên thế giới giành giật nguồn cung LNG ít ỏi để chuẩn bị cho mùa đông. Điều này có thể đẩy giá lên cao hơn và làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt.

Theo Bloomberg, động thái mới nhất của Nga nhằm cắt giảm dòng chảy khí đốt tự nhiên sang châu Âu khiến cuộc chiến năng lượng toàn cầu leo thang.

Các quốc gia trên khắp thế giới đang giành giật những lô hàng nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển. Điều này có khả năng đẩy giá lên cao và tạo ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng từ châu Á đến Nam Mỹ.

Các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đang đẩy nhanh kế hoạch mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho mùa đông. Nguồn tin của Bloomberg cho biết họ lo ngại rằng châu Âu cũng sẽ tích trữ nhiên liệu.

 Các quốc gia trên thế giới giành giật khí tự nhiên hóa lỏng khi nguồn cung năng lượng khan hiếm. Ảnh: Reuters.

Các quốc gia trên thế giới giành giật khí tự nhiên hóa lỏng khi nguồn cung năng lượng khan hiếm. Ảnh: Reuters.

Động thái mới

Theo các thương lái, một số công ty nhạy cảm với giá cả ở những quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan cũng đang đẩy mạnh mua vào để tránh tình trạng thiếu hụt.

Tuần này, gã khổng lồ dầu khí Gazprom PJSC của Nga cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu.

Theo đó, kể từ sáng 27/7, lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí một ngày, do họ phải đem một tuabin đi bảo trì.

Tháng trước, công suất khí đốt chảy qua Nord Stream đã giảm xuống còn 40%. Gazprom nói rằng việc này là do phương Tây bàn giao chậm một tuabin được bảo dưỡng ở Canada. Tuabin này vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ.

 Gã khổng lồ dầu khí Gazprom PJSC của Nga cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu. Ảnh: Reuters.

Gã khổng lồ dầu khí Gazprom PJSC của Nga cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu. Ảnh: Reuters.

Trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, khí đốt của Nga tương đối rẻ, dễ vận chuyển và có nguồn cung dồi dào. Cùng với đó, kế hoạch mở đường ống Nord Stream 2 tới Đức giúp châu Âu có thể giảm sản lượng năng lượng trong nước và bắt đầu đóng cửa các nhà máy than, lò phản ứng hạt nhân nhằm tập trung vào những nguồn sạch hơn.

Năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã phải vạch ra kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua cải thiện hiệu quả năng lượng và kéo dài tuổi thọ của những nhà máy điện hạt nhân và than.

Khối này đã đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo ông Alex Froley - nhà phân tích LNG tại Independent Commodity Intelligence Services, EU đã nhập khẩu hơn 12 tỷ m3 LNG từ Mỹ trong quý I, tăng mạnh so với 4 tỷ m3 LNG vào cùng kỳ năm 2021.

Cuộc chiến năng lượng

Theo Bloomberg, giá giao ngay của khí đốt tự nhiên hóa lỏng có khả năng tăng cao hơn nữa khi người mua ở cả châu Á và châu Âu tìm cách giành giật nguồn cung ít ỏi.

Các nhà giao dịch ước tính giá LNG giao ngay tại Bắc Á sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, sau khi Nga đổ quân vào Ukraine.

Trong khi đó, số lượng LNG có sẵn trong mùa đông đang giảm dần. Nguyên nhân là tình trạng gián đoạn nguồn cung ở các quốc gia sản xuất như Australia và Mỹ.

Nếu các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc phục hồi, tình thế sẽ thay đổi nhanh chóng và số lô hàng LNG đến châu Âu càng khan hiếm hơn

Ông Samantha Dart - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khí đốt tự nhiên của Goldman Sachs Groups Inc.

Khí đốt tự nhiên là nhiên liệu quan trọng cho sản xuất điện và sưởi ấm. Giá khí đốt tăng cao tạo sức ép lên lạm phát và bào mòn sức mua của người tiêu dùng toàn cầu.

Với mức giá hiện nay, người tiêu dùng ở một số quốc gia như Pakistan, Bangladesh và Argentina không đủ tiền để trang trải. Nhiều người lao đao vì tình trạng thiếu điện.

Theo Bộ Năng lượng Hàn Quốc, quốc gia 52 triệu dân cũng đang gấp rút dự trữ LNG do những lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang.

Theo Korea Gas Corp., mọi nguy cơ gián đoạn đối với nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc đều có thể thúc đẩy làn sóng mua vào mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc - nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm ngoái - vẫn chưa vào cuộc. Bởi các lệnh phong tỏa chống dịch đang hạn chế nhu cầu nhiên liệu.

Nói với Bloomberg, ông Samantha Dart - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khí đốt tự nhiên của Goldman Sachs Groups Inc. - cảnh báo rằng nếu các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc phục hồi, tình thế sẽ thay đổi nhanh chóng và số lô hàng LNG đến châu Âu càng khan hiếm hơn.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-nhien-lieu-toan-cau-leo-thang-sau-dong-thai-cua-nga-post1339451.html