Liên bộ tăng quản lý giao dịch thương mại điện tử với hoạt động xuất nhập khẩu

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính khẳng định sẽ tham mưu và đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành cơ chế quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành và các địa phương.

Quan tâm đến các hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển, trong đó Bộ Công Thương được giao xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động TMĐT đối với hàng xuất nhập khẩu, tại phiên chất vấn chiều 4/6, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hiệu quả của các chính sách ban hành thời gian qua, việc quản lý các giao dịch TMĐT đối với hàng xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?

Chú trọng chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại thông thường đã khó, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên môi trường TMĐT còn khó gấp nhiều lần. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phê duyệt Đề án chống hàng giả bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đồng thời, Bộ Công Thương tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch TMĐT tử đối với hàng xuất nhập khẩu, yêu cầu công bố thông tin các website TMĐT, quy định quản lý thông tin và chất lượng hàng hóa trên các sàn giao dịch. Đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ và bán hàng dịch vụ trên sàn TMĐT.

“Bộ Công Thương đã tăng cường đẩy mạnh cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành và các địa phương. Kết nối dữ liệu giữa Bộ Công Thương với các cơ quan chức năng như Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu về TMĐT và ban hành cơ chế giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài trong TMĐT. Phối hợp và tham mưu cho Chính phủ đưa TMĐT là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư. Trong đó giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán, thâu tóm DN trong nước của các sàn TMĐT lớn, bao gồm cả sàn TMĐT có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Trong thời gian tới, để tăng cường quản lý giao dịch TMĐT đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành cơ chế quản lý về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT. Đó là tách bạch hàng hóa thông thường và hàng hóa TMĐT, bỏ quy định về miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, xử lý để tránh hàng giả hàng kém chất lượng nhập khẩu qua TMĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các vấn đề ĐBQH quan tâm

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các vấn đề ĐBQH quan tâm

Xuất nhập khẩu quả TMĐT tăng trưởng khoảng 16%

Chia sẻ chất vấn của các đại biểu Quốc hội có liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong quá trình thực hiện việc thu thuế của sàn TMĐT. Bộ Tài chính đã tăng cường về vấn đề tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn TMĐT xuyên biên giới.

Trong công tác phối hợp, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với các Bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn TMĐT và kiểm tra đối chiếu 361 sàn TMĐT để thực hiện kết nối và quản lý. Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 ngân hàng.

Kết quả thực hiện trong năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng thuế và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng thuế và 5 tháng năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng. Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tức là các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, Tiktok… thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn TMĐT xuyên biên giới, hiện đã nộp được 15.600 tỷ đồng.

“Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn TMĐT cũng như với giao dịch bằng điện tử trên môi trường TMĐT, trọng tâm tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thực hiện việc thu thuế trên sàn TMĐT, đảm bảo công bằng trong vấn đề là thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ chất vấn cùng Bộ Công Thương chiều 4/6

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ chất vấn cùng Bộ Công Thương chiều 4/6

Đối với vấn đề đại biểu quan tâm về xuất nhập khẩu qua TMĐT, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện Hải quan thông minh – khi Việt Nam là thành viên của Hải quan thế giới. Theo đó đã thực hiện thủ tục hải quan tự động điện tử 24/7. Đẩy mạnh thanh toán điện tử qua 145 kết nối và trao đổi thông tin với 19 ngân hàng thương mại và thực hiện nộp thuế qua qua điện tử, tham gia vào vấn đề chống buôn lậu và thông quan một cách thuận lợi nhất cho DN.

“Kết quả năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu qua TMĐT đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu được 355 tỷ USD và nhập khẩu được 327 tỷ USD. 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 305 tỷ USD, xuất siêu được khoảng 10,2 tỷ USD, mức tăng trưởng khoảng 16% so với cùng kỳ. Bộ Tài chính vẫn đang đẩy mạnh vấn đề ứng dụng CNTT trong vấn đề thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi nhất cho các DN”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lien-bo-tang-quan-ly-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-voi-hoat-dong-xuat-nhap-khau-post1099468.vov