Cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan trên thị trường xuất khẩu gạo
Đầu tuần này, giá các loại gạo trên thị trường toàn cầu đã giảm, sau khi Ấn Độ và Pakistan dỡ bỏ giới hạn giá và khôi phục xuất khẩu gạo.
Ngày 28/9, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại gạo Basmati, chấm dứt hơn một năm ngừng bán ra nước ngoài. Quyết định được đưa ra khi sản lượng thu hoạch gạo trong năm 2024 tăng cao hơn, củng cố kho dự trữ của nhà nước để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Quyết định của Ấn Độ được đưa ra sau thông báo của Pakistan một ngày trước đó về việc gỡ bỏ chính sách áp giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) cho tất cả các loại gạo. MEP đã được áp dụng từ năm 2023, với mức giá 1.300 USD/tấn cho gạo Basmati và 550 USD/tấn cho gạo phi Basmati.
Theo các chuyên gia, động thái của Pakistan chịu tác động từ việc Ấn Độ gỡ bỏ mức giá xuất khẩu tối thiểu 950 USD/tấn đối với gạo Basmati vào tháng Chín.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều là hai quốc gia duy nhất sản xuất gạo Basmati, loại gạo nổi tiếng với hương vị và mùi thơm đặc trưng, được gọi là “ngọc trai thơm”.
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% thương mại gạo toàn cầu và nắm giữ 65% thị phần gạo Basmati. Pakistan, đứng thứ tư về xuất khẩu gạo sau Thái Lan và Việt Nam, chiếm 35% thị trường gạo Basmati.
Trong tài khóa 2022-23, Ấn Độ đã thu về hơn 11 tỷ USD từ doanh thu bán gạo, trong đó hơn 4,5 triệu tấn gạo Basmati mang lại hơn 4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, vào tháng 7/ 2023, lạm phát cao, giá thực phẩm tăng và lo ngại thiếu hụt sản xuất tiềm năng do hiện tượng thời tiết El Ninõ đã khiến Chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo phi Basmati. Một tháng sau đó, Ấn Độ cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo Basmati.
Khi gạo Ấn Độ trở nên khan hiếm, Pakistan đã nổi lên như một trong những nhà cung cấp thay thế cho nhiều quốc gia, bao gồm các nước tại Vịnh, châu Phi và Đông Nam Á.
Từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, khối lượng xuất khẩu gạo của Pakistan tăng trưởng hơn 60% và kim ngạch tăng 78%, với gần sáu triệu tấn gạo xuất khẩu giúp thu về gần 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, khi gạo Ấn Độ trở lại thị trường quốc tế với khối lượng lớn, việc áp đặt MEP sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu gạo của Pakistan.
Ông Haseeb Khan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP), đánh giá cao quyết định của chính phủ về việc gỡ bỏ mức giá trần, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này sẽ giúp các nhà xuất khẩu Pakistan củng cố sự hiện diện tại các thị trường mới.