Cục Hải quan Bình Dương tạo động lực mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Năm 2023, Cục Hải quan Bình Dương được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách 20.200 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ nhiều thách thức trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, xuất nhập khẩu giảm sút. Trong quý còn lại của năm 2023, đơn vị tạo thuận lợi cho tuyến đường sắt liên vận Sóng Thần - Trung Quốc, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tăng nguồn thu ngân sách.

Cục Hải quan Bình Dương ra mắt đoàn tàu liên vận xuất khẩu hàng hóa từ Bình Dương đi Trung Quốc. Ảnh: Quang Giang

Cục Hải quan Bình Dương ra mắt đoàn tàu liên vận xuất khẩu hàng hóa từ Bình Dương đi Trung Quốc. Ảnh: Quang Giang

Kinh tế giảm sút, số thu giảm mạnh

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình hình hoạt động từ đầu năm đến tháng 10/2023 của đơn vị, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho hay, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới từ sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukaina kéo dài dẫn đến hầu hết các quốc gia đang đối mặt với lạm phát, khủng hoảng kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Quý III/2023, tình hình xuất nhập khẩu tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ,... có hiện tượng chững lại.

Tại Bình Dương doanh nghiệp (DN) chủ yếu là sản xuất xuất khẩu, phụ thuộc vào đơn hàng sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ đứng thứ nhất cả nước nay sút giảm 30%. Hàng dệt may của Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, cũng giảm mạnh do thiếu đơn hàng từ đầu năm đến nay.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại, dẫn đến các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu đạt 8,19 tỷ USD, giảm 16,17% (so với cùng kỳ), kim ngạch nhập khẩu đạt 5,29 tỷ USD, giảm 17,35%.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Cục Hải quan Bình Dương đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho DN. Trong quý III/2023, đơn vị cũng đã duy trì, triển khai có hiệu quả đề án thu thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 đạt tỷ lệ 100% số thu được thực hiện qua thu thuế điện tử; duy trì hiệu quả công tác triển khai dịch vụ công trên website; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình công sở thân thiện tại các chi cục trực thuộc; vận hành có hiệu quả 3 máy soi container di động thông quan nhanh hàng hóa cho doanh nghiệp...

Với nỗ lực nêu trên, trong quý III/2023, đơn vị đã thu ngân sách đạt hơn 3.820 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, số thu ngân sách của đơn vị được hơn 11.775 tỷ đồng, đạt hơn 58% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (số thu ngân sách giảm gần 23% so với cùng kỳ)

Thúc đẩy hoạt động của tuyến đường sắt quốc tế liên vận

Đề cập đến giải pháp trong quý còn lại của năm 2023, ông Nguyễn Trần Hiệu chia sẻ, đơn vị tập trung đặc biệt đến việc tạo thuận lợi cho DN, qua đó góp phần tăng thu ngân sách. Cụ thể, đơn vị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; các chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Đơn vị tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tổ chức đối thoại trực tiếp với DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; giảm hoạt động kiểm tra DN.

Cục Hải quan Bình Dương cũng tăng cường sử dụng thiết bị hiện đại, hệ thống máy soi container vào việc giám sát thông quan hàng hóa, hạn chế tối đa việc kiểm tra hàng hóa bằng việc mở container. Bối cảnh khó khăn hiện nay cũng là thời cơ để DN đổi mới; khuyến khích DN đầu tư cho việc sản xuất xanh; cùng với cơ quan hải quan thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thúc đẩy, tạo thuận lợi, khai thác hiệu quả hoạt động của đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc, vừa được khai trương ngày 27/9/2023.

Đầu tư đưa năng lực ga Sóng Thần đạt đến 3,5 triệu tấn/năm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga liên vận Sóng Thần. Dự kiến, giai đoạn 2025-2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.

Phân tích về lợi ích của của việc kết nối cảng Sóng Thần (Bình Dương) với Trung Quốc, ông Nguyễn Trần Hiệu cho biết, ga Sóng Thần là ga đường sắt liên vận quốc tế và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Tuy nhiên, đến nay ga Sóng Thần chỉ mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, việc nâng cao năng lực ga liên vận quốc tế Sóng Thần phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung và nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua đường sắt của Cục Hải quan Bình Dương nói riêng.

Ông Nguyễn Trần Hiệu nhấn mạnh, hiện nay, các DN đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 đều gặp khó khăn về đơn hàng giảm sút. Do đó, việc hướng DN mở rộng thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, hàng hóa vận chuyển đảm bảo an toàn, không bị va đập, hư hỏng và đảm bảo hàng hóa vận chuyển đúng lịch trình không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyển khác như đường biển, đường bộ, hàng không.

Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua.

Đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, để kịp giao hàng cho khách hàng Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc thì việc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương án tối ưu nhất giúp tiết giảm chi phí đồng thời gia tăng lợi nhuận cho DN. Qua đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín, vị thế của DN với các đối tác nước ngoài.

Một lợi ích khác mang lại trong tương lai là tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh Bình Dương và cả vùng Đông Nam Bộ, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, góp phần đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương.

Tăng thu ngân sách hơn 20 tỷ đồng từ hậu kiểm

Cục Hải quan Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn coi trọng và triển khai có hiệu của kế hoạch kiểm tra sau thông quan (hậu kiểm) đối với hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó góp phần chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Chỉ tính trong quý III/2023, đơn vị đã truy thu nộp ngân sách hơn 4,3 tỷ đồng từ hậu kiểm. Trong đó số thu của Chi cục Kiểm tra sau thông quan là hơn 1,6 tỷ đồng, rà soát (HS, C/O, trị giá) của các chi cục trong thông quan là gần 2,7 tỷ đồng.

Với kết quả này, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 9/2023, Cục Hải quan Bình Dương đã thu nộp ngân sách hơn 20,4 tỷ đồng từ hậu kiểm bao gồm nhiều khoản truy thu. Trong đó, số thu của Chi cục Kiểm tra sau thông quan là hơn 7,7 tỷ đồng; rà soát (HS, C/O, trị giá) của các chi cục trong thông quan là gần 2,7 tỷ đồng./.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuc-hai-quan-binh-duong-tao-dong-luc-moi-cho-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-137332.html