Cứ 2% tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy 1% tăng trưởng GDP

Với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, ngành Ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% để đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách điều hành tiền tệ năm 2025 tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách điều hành tiền tệ năm 2025 tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa.

Chiều 05/02, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên của nền kinh tế trong năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh quan điểm: "Muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, muốn có đầu tư thì phải có vốn".

Theo ông Tú, như trong năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP. “Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%”, Phó Thống đốc chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay không phải là con số tăng trưởng, mà chính là làm sao có đủ nguồn vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế. Do đó, trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ trong năm 2025.

“Cuối năm 2023, tổng dự nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, riêng năm 2024, chúng ta tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay năm 2024 là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Về định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng 8%, Phó Thống đốc nhấn mạnh quan điểm phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế.

“Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…”, Phó Thống đốc nói.

Cụ thể, NHNN sẽ đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế, thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Từ đó, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế từ người dân, doanh nghiệp, trên cơ sở có chính sách lãi suất hợp lý để thu hút vốn huy động.

“Lãi suất điều hành của NHNN sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác”, ông Tú cho biết và nhấn mạnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất bằng cách cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ…

Với điều hành hạn mức tín dụng, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng 16% song có thể cao hơn trong điều kiện kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép.

“Năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục tạo sự chủ động cho các ngân hàng thương mại trong tăng trưởng tín dụng nếu cho vay đúng đối tượng, phát huy được nguồn vốn, đảm bảo an toàn hệ thống… NHNN sẽ kiểm soát chung mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế”, ông Tú cho biết.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định trên cơ sở ngoại hối, kiều hối, dòng tiền xuất nhập khẩu. NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết để đảm bảo thị trường ngoại tệ tích cực duy trì tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ ngoại tệ.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cu-2-tang-truong-tin-dung-se-thuc-day-1-tang-truong-gdp.html