Công tác xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 13/11, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Viết Lam

Dự hội thảo có Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ GD&ĐT; Cục Chính trị BĐBP; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; Ban Dân tộc - Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ban Nghiên cứu giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT; đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức dạy xóa mù chữ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT; Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP đồng chủ trì hội thảo.

Báo cáo khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, việc quan tâm, đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Đảng và Nhà nước đưa vào nhiều Nghị quyết, Quyết định, văn bản. Cụ thể gồm: Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT nhấn mạnh "ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục đào tạo (GDĐT) đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách..."; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ, các địa phương đã có các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động, vận động người chưa biết đọc, biết viết, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Viết Lam

Trong giai đoạn 2020-2023, cả nước đã huy động được hơn 79.000 người ra học xóa mù chữ. Các tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được gần 54.000 người ra học xóa mù chữ, trong đó có hơn 33.000 người theo học lớp mức độ 1 với 86,2% học viên là người dân tộc thiểu số; hơn 21.600 người theo học lớp mức độ 2 với 74,9% học viên là người dân tộc thiểu số.

Tính đến tháng 9/2023, cả nước có 226/10.598 đơn vị cấp xã (tỷ lệ 2,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 10.332/10.598 đơn vị cấp xã đạt tỷ lệ 97,5% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Có 42/704 đơn vị cấp huyện (6%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 662/704 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cả nước có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (100%) và hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (chiếm 76,2%), trong đó có 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ của các nước năm 2023, độ tuổi từ 15-35 là 99,39% (mức độ 1) và 98,97% (mức độ 2); độ tuổi từ 15-60 là 98,85% (mức độ 1) và 97,29% (mức độ 2). Tỷ lệ biết chữ các độ tuổi của 51 tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 1719 năm 2023, độ tuổi từ 15-35 là 99,24% (mức độ 1) và 98,73% (mức độ 2); độ tuổi 15-60 là 98,55% (mức độ 1) và 96,70% (mức độ 2).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù vẫn tiếp diễn, số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ.

Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn. Địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác dọc biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc, chỗ ở không ổn định nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn...

Tại hội thảo, các đại biểu từ các địa phương tập trung nêu ý kiến về những vấn đề tồn tại, thách thức, cản trở việc học chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh.

Hội thảo cũng tiếp nhận 60 tham luận của các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên về đánh giá thực trạng công tác xóa mù chữ tại các địa phương trong thời gian qua. Đề xuất các giải pháp chính để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ giai đoạn 2023-2030.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cong-tac-xoa-mu-chu-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-post468875.html