Công cụ quản lý quy hoạch phố cổ Hà Nội không thiếu, tại sao vẫn để vi phạm nở rộ?

Mặc dù, Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội thời gian qua đã có nhiều quy định, quyết định liên quan đến quản lý, quy hoạch, kiến trúc… được phê duyệt nhằm bảo tồn khu phố cổ, nhưng thực tế tồn tại vẫn đang rất báo động, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền sở tại.

Nguyên nhân của những tồn tại này được cho là do sự yếu kém trong công tác quản lý, bởi lẽ các vấn đề về quy hoạch phố cổ đã được ban hành cụ thể để áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ quy hoạch ngày một nở rộ, các sai phạm cũ thì không bị xử lý, trong khi các sai phạm mới lại tiếp tục nở rộ.

Không thiếu công cụ quản lý

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa. Xây dựng Thủ đô thành thành phố Xanh - Văn Hiến – Văn Minh – Hiện đại, ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Thời hạn quy hoạch được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định này, đã giúp cho Thủ đô Hà Nội có nhiều thuận lợi trong việc điều chỉnh phạm vi, thời hạn lập quy hoạch, tính chất và mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển đô thị... Định hướng tổ chức phát triển không gian, phát triển các khu chức năng chính, phát triển hạ tầng kỹ thuật, bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên, các chương trình ưu tiên đầu tư, cơ chế chính sách… cho sự phát triển.

Tiếp đó đến ngày 24/10/2013, nhằm đảm bảo di tích lịch sử cấp Quốc gia, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử... Ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khi đó, đã ký Quyết định số 6398/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.

Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội thời gian qua đã có nhiều quy định, quyết định liên quan đến quản lý, quy hoạch, kiến trúc… được phê duyệt nhằm bảo tồn khu phố cổ.

Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội thời gian qua đã có nhiều quy định, quyết định liên quan đến quản lý, quy hoạch, kiến trúc… được phê duyệt nhằm bảo tồn khu phố cổ.

Quyết định này đã cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Đồng thời bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy các giá trị của di tích lịch sử Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Khu phố Cổ Hà Nội. Quy chế này là cơ sở để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện công tác quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Đến ngày 13/8/2015, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội. Tiếp tục đưa ra các yêu cầu phải đạt được như cụ thể hóa nội dung quản lý quy hoạch, kiến trúc theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy các giá trị di sản và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững.

Ngày 4/4/2016, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số: 11/2016/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội. Việc ban hành hàng loạt các Quyết định trên đã thể hiện rõ sự quyết liệt của Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội trong công tác bảo vệ quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ, phố cũ Hà Nội.

Vì sao quy hoạch vẫn bị phá vỡ

Có thể thấy, từ “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội” đến các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử - năm 2021) đều thể hiện sự thống nhất quan điểm không xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực phố cổ, phố cũ.

Năm 2021, đồ án quy hoạch H1-1 (quận Hoàn Kiếm) được công bố khẳng định khu vực phố cổ, phố cũ quy hoạch các chức năng chủ yếu, trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử-văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Tại khu vực phố cổ, phụ cận hồ Hoàn Kiếm, các công trình xây dựng ở mức từ 3 - 4 tầng, chiều cao không quá 16m. Khu phố cũ được xây từ 4 - 6 tầng, chiều cao từ 16m - 22m.

Quy định là vậy, tuy nhiên ngay trong khu vực phố cổ, phố cũ vẫn xuất hiện nhiều công trình xây dựng, cải tạo vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng về chiều cao, mật độ, tum biến tướng, thay đổi kết cấu công trình, gia tăng công năng sử dụng... dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch các tuyến phố cổ của Thủ đô.

Có thể thấy, quanh khu vực phố cổ không khó để bắt gặp các công trình xây dựng dù là chưa hoàn thiện hay đã hoàn thiện có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng. Mặc dù, Chính phủ và Thành phố Hà Nội đã ban hành hàng loạt các quy định cụ thể, chặt chẽ về kiến trúc nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra sai phạm. Trách nhiệm này có lẽ thuộc về chủ công trình và chính quyền các cấp trong quản lý.

Khu vực nội đô lịch sử, khu phố cổ, phố cũ có những giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa và lịch sử. Việc bảo tồn phố cổ không chỉ bảo tồn về mặt kiến trúc, mà còn có giá trị về kinh tế, về văn hóa. Tuy nhiên, trước những tồn tại đang hiện hữu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ. Quy hoạch phố cổ dù đã đi vào cuộc sống nhưng lại chưa được thực hiện một cách đồng bộ và nghiêm túc.

Do đó, đã đến lúc cần có sự vào cuộc sát sao hơn của các cấp chính quyền, làm nghiêm và xử lý triệt để các sai phạm để quy hoạch không chỉ là quy hoạch mà phải được đi vào cuộc sống.

Đông Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/cong-cu-quan-ly-quy-hoach-pho-co-ha-noi-khong-thieu-tai-sao-van-de-vi-pham-no-ro-1090936.html