'Cổ xúy' hay 'cổ súy'?

Độc giả L.Đ.S (TP Thanh Hóa) hỏi: 'Tôi thấy trên mạng xã hội và sách báo người ta hay viết là 'cổ súy', nhưng cũng có nhiều người viết là 'cổ xúy'. Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết, trong hai cách viết 'cổ súy' và 'cổ xúy', thì đâu là cách viết đúng chính tả?'.

Trả lời:

Đúng như độc giả L.Đ.S. nhận xét. Trong thực tế đang tồn tại hai cách viết “cổ súy” và “cổ xúy”.

Nếu tìm kiếm từ “cổ súy cho...” trên google, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm được hơn 8 triệu kết quả, với rất nhiều ngữ liệu:

Mạng xã hội và việc cổ súy cho “cái ác hồn nhiên” (Báo CAND); Làm ơn đừng cổ súy cho cái sai (Báo Dân trí); “Không cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan” (Báo Lào Cai); MV ca nhạc “There”s no one at all” của Sơn Tùng M-TP bị phản đối do lo ngại cổ súy cho giới trẻ tự tử (Báo Pháp luật Việt Nam); Anh siết chặt luật cấm cổ súy hành vi tự ngược đãi trên mạng xã hội (Báo Lao động); Tờ báo nổi tiếng của Mỹ cổ súy ăn côn trùng khiến dư luận xôn xao (Báo Tuổi Trẻ); Cảnh báo tình trạng vô cảm, cổ súy cho hành vi bạo lực học đường (Báo An ninh Thủ đô); Cổ súy tự hủy hoại bản thân trên mạng xã hội sẽ bị phạt nặng ở Anh (Báo Người Lao động); Show truyền hình Hàn Quốc bị tẩy chay vì cổ súy ngoại tình (Báo Tiền Phong)...

Trong khi với “cổ xúy cho...”, chỉ có hơn 42.000 kết quả, với ngữ liệu tìm thấy không nhiều:

“... sự “bội thực” và nhiễu loạn về thông tin đối với người tiếp nhận; dễ bị lợi dụng để cố xúy cho những ý đồ xấu...” (Tạp chí Tuyên giáo); Vùng xanh không có nghĩa cổ xúy cho bợm nhậu (Báo điện tử VnExpress); Không nên cổ xúy cho hành vi lệch chuẩn của những “hiện tượng mạng (Báo điện tử VOV); “... Nếu là một nghệ sĩ có trách nhiệm, không cố tình cổ xúy tự tử, ...” (Báo điện tử VTC News)...

Những thống kê trên đây cho thấy, “cổ súy” là cách viết được người ta sử dụng nhiều hơn “cổ xúy”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào từ điển, và xét về nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ, thì “cổ xúy” mới là cách viết đúng chính tả của một từ Việt gốc Hán.

- Chữ cổ trong cổ xúy có nghĩa là cái trống; lại có nghĩa là đánh (trống), gảy (đàn), khua, vỗ, làm cho kêu, nói chung...

- Còn chữ xúy (thường bị nói/viết sai thành súy) trong cổ xúy

là chữ hội ý, gồm bộ khẩu (miệng) và khiếm (con người lúc mệt mỏi thì há miệng thở hắt ra). Nghĩa hội ý của khẩu khiếm là miệng ngáp thì tất có khí bật ra; nghĩa gốc của xúy là “toát khẩu dụng lực xuất khí” nghĩa là chúm miệng, dùng lực đẩy khí ra ngoài. Về sau, xúy được dùng với nghĩa diễn tấu (thổi) các loại nhạc khí như sáo, tiêu, diễn tấu âm nhạc; lại có nghĩa là truyền bá, đưa đến...

Xúy trong cổ xúy có nghĩa gốc như đã phân tích trên đây. Bởi vậy, nếu viết cổ xúy thành “cổ súy”, xét theo nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ, sẽ trở nên vô nghĩa.

Trở lại với từ cổ xúy.

Cổ xúy nguyên nghĩa chỉ một loại nhạc, gọi là Cổ xúy nhạc - một khúc hợp tấu nhạc khí thời cổ bên Trung Quốc, trong đó dùng các loại nhạc khí như: cổ (trống), chinh (chiêng), tiêu (tiêu, sáo), già (kèn lá). Dân Bắc Địch (một tộc người thiểu số ở phương Bắc Trung Quốc) và tộc người Hán vốn dùng hợp tấu Cổ xúy nhạc để tạo thanh uy (âm thanh lớn) cho quân lính vùng biên ải; sau này, và dần dần, cổ xúy mới được dùng trong cung đình. Cổ xúy với nghĩa là tấu khúc, chính là cổ xúy trong câu Kiều “Bày hàng cổ xúy xôn xao, Song song đưa tới trướng đào sánh đôi” của Nguyễn Du. Về sau, cổ xúy mới có một nghĩa là tuyên dương, tuyên truyền.

Về sự ghi nhận của từ điển, thì trong số 17 cuốn từ điển Hán Việt và từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, chỉ có hai cuốn ghi nhận từ “cổ súy”; trong đó, chỉ có một cuốn chỉ nhận từ “cổ súy”, mà không ghi nhận “cổ xúy” (Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên), một cuốn ghi nhận từ “cổ súy”, nhưng hướng dẫn xem “cổ xúy” (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê, sách đã dẫn). Trong khi đó, có tới 16/17 cuốn thống nhất ghi nhận từ “cổ xúy”. Sau đây, xin trích dẫn 3 trong số 15 cuốn ghi nhận và giảng nghĩa từ “cổ xúy”:

- Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): “cổ xúy: đánh trống và thổi sáo - Lời lẽ hay hoặc văn - chương hay khiến cho người vui thích, gọi là cổ xúy”.

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “cổ xúy • đt. Đánh trống thổi sáo. • đt. Nh. Cổ-võ. (B)”.

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê –Vietlex, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt): “cổ xúy 1 [cũ] hợp tấu các nhạc khí cổ. “Bày hàng cổ xúy xôn xao, Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.” (TKiều). 2 [cũ] hô hào và động viên bằng lời nói hoặc hành động nhằm thể hiện sự đồng tình. Phong trào cổ xúy chữ quốc ngữ ~ luôn cổ xúy cái mới ~ cổ xúy lòng yêu nước”.

Cách xử lý của Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) cho thấy, soạn giả từ điển đã căn cứ vào thực tế sử dụng để thu thập “cổ súy”, nhưng hướng dẫn xem “cổ xúy” (khuyên chọn cách viết chuẩn hơn). Trong khi với Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), soạn giả lại chỉ thu thập “cổ súy” (cách viết không chuẩn), mà không ghi nhận “cố xúy” (cách viết chuẩn). Đây là một cách làm sai, vì “cổ súy” chẳng qua chỉ là sự cố chính tả của “cổ xúy” mà thôi.

Như vậy, có thể kết luận:

- Căn cứ nghĩa của yếu tố cấu tạo từ, thì cổ súy là sự cố chính tả của cổ xúy. Tuy nhiên, do cái sai này đã trở thành phổ biến, nên từ điển tiếng Việt đã buộc phải ghi nhận. Bởi vậy, xét thực tế, thì cổ súy là cách viết có thể chấp nhận được.

- Nếu gọi là vừa đúng chính tả vừa đúng nghĩa của yếu tố cấu tạo từ, thì chỉ có một cách viết chuẩn và duy nhất đúng, đó là cổ xúy.

Mẫn Nông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/co-xuy-hay-co-suy/27950.htm