Có thể xử lý người kích điện bắt giun về hành vi hủy hoại đất đai

Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, hành vi dùng kích điện để tác động vào đất đai từ đó làm suy giảm chất lượng được 'định vị' là hành vi 'hủy hoại đất đai' và là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Điều 12 Luật Đất đai hiện hành.

Hình ảnh vườn chuối của nhà anh Đặng Văn Hồng bị héo lá, vàng lá. Ảnh: Nguyễn Minh.

Hình ảnh vườn chuối của nhà anh Đặng Văn Hồng bị héo lá, vàng lá. Ảnh: Nguyễn Minh.

Như Pháp luật và Xã hội đã đưa tin, anh Đặng Văn Hồng (SN 1975, trú tại bản Pắc Ta, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) bị nhiều nhóm người vào vườn chuối tiêu hồng nhà anh kích điện bắt giun khiến hơn 10ha trong tổng 20ha chuối nhà anh bị hư hại, héo lá, vàng lá.

Điều đặc biệt là mỗi khi phát hiện, anh đã báo chính quyền địa phương cũng như Công an đến thì các đối tượng đều bỏ chạy và cho rằng không có luật nào xử lý được họ nên họ. Mỗi khi nhắc nhở, yêu cầu họ ra khỏi vườn chuối thì anh và người dân còn bị dọa đánh.

Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm cho biết, giun đất được biết đến là một loài sinh vật vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự tơi xốp của đất. Sử dụng phương pháp kích điện bắt giun (phương pháp tận diệt, nhiều nước trên thế giới nghiêm cấm sử dụng phương pháp này) sẽ như “con dao” chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, gây ra hậu quả là tổn hại không nhỏ đối với chất lượng đất.

Anh Hồng thu được kích điện bắt giun tại vườn chuối. Ảnh: Nguyễn Minh.

Anh Hồng thu được kích điện bắt giun tại vườn chuối. Ảnh: Nguyễn Minh.

Dưới góc độ pháp luật, hành vi dùng kích điện để tác động vào đất đai từ đó làm suy giảm chất lượng được “định vị” là hành vi “hủy hoại đất đai” được định nghĩa tại khoản 25 Điều 3 và là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Điều 12 Luật Đất đai hiện hành.

Nếu chỉ tác động tới đất đai không thôi thì hành vi này sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm. Ảnh: Nguyễn Minh.

Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm. Ảnh: Nguyễn Minh.

Điều đáng bàn ở đây đó là việc kích điện bắt giun đất vừa qua không những làm suy giảm chất lượng, hủy hoại đất mà còn làm thiệt hại về tài sản trên đất của người dân (cây cối, hoa màu bị chết). Vậy, việc cây cối hoa màu bị chết do hành vi kích điện bắt giun đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải đặt ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Hành vi của đối tượng chỉ là để bắt giun với động cơ bán kiếm tiền, còn việc gây thiệt hại đến tài sản của người dân trên đất nằm ngoài khả năng nhận thức của họ và người có hành vi kích điện bắt giun cũng chưa từng được cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến về hậu quả thì hành vi này chưa đủ cơ sở để khởi tố về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS. Hành vi này sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 91.

Trường hợp thứ hai: Người thực hiện hành vi kích điện bắt giun đã từng có hành vi vi phạm và đã từng bị xử phạt, hoặc đã được cơ quan chức năng tuyên truyền giải thích cho biết về hậu quả của hành vi vi phạm mà họ vẫn thực hiện thậm chí là tái diễn, tiếp tục gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì khi này không còn cơ sở để bào chữa rằng bản thân là không biết, không cố tình nữa. Trong trường hợp này đã đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 BLHS.

Trước nguy cơ đất đai bị tác động, hủy hoại theo chiều hướng ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng của địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng người dân trên địa bàn để người dân hiểu và từ đó không tái diễn những hành vi tác động xấu đến đất đai.

Để làm cơ sở cho việc xử lý trong trường hợp một số đối tượng vẫn cố tình không hiểu từ đó vẫn thực hiện hành vi gây ảnh hưởng xấu tới đất đai, gây thiệt hại đến tài sản của người dân trên đất được Nhà nước giao thì song song với việc tuyên truyền, vận đông thì cần có biện pháp thực tế là yêu cầu người dân ký văn bản cam kết giống như chúng ta vẫn từng làm trong việc từng người dân ký văn bản cam kết không mua, bán đốt các loại pháo nổ trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Mặc dù hoạt động này là rất vất vả cho các cán bộ nhưng để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá là đất đai cũng như tài sản của người dân trên đất được Nhà nước giao thì không có cách nào khác, chúng ta phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hoạt động này.

Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với các mức xử phạt cụ thể như sau:

1. Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

2. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-the-xu-ly-nguoi-kich-dien-bat-giun-ve-hanh-vi-huy-hoai-dat-dai-349958.html