Có khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông trong cuối năm 2024

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn TKCN năm 2024 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về (PCTT), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và (TKCN) chủ trì sáng ngày 10/5. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Ảnh: Đình Huy

5-7 cơn bão ảnh hưởng vào đất liền

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Trong đó, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban quốc gia, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 3 mặt: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đình Huy

Trong đó: Công tác phòng ngừa thiên tai được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại hội nghị, Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, từ tháng 6/2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.

Ông Hoàng Đức Cường nhận định thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp từ giờ đến cuối năm. Ảnh: Đình Huy

Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 5-8/2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Dự báo có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024).

Bộ đội Biên phòng ứng cứu hơn 1.100 người dân

Tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, tính riêng ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo của cả nước đã xảy ra 1.845 vụ/4.023 người/754 phương tiện bị sự cố, thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn (tăng 319 vụ nhưng giảm 181 người/154 phương tiện so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, thiên tai, tai nạn trên đất liền xảy ra 734 vụ/323 người. Thiên tai, tai nạn trên biển xảy ra 1.111 vụ/3.700 người/626 phương tiện. Thiên tai, tai nạn đã làm 747 người chết, mất tích; 259 người bị thương, 325 phương tiện bị chìm, 222 phương tiện hư hỏng.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị điều động hơn 12.200 lượt cán bộ, chiến sĩ/367lượt tàu, xuồng, ô tô các loại phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ huy động 306 phương tiện/2.642 người dân tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và TKCN được 934 vụ, cứu vớt hơn 1.100 người/180 phương tiện, chữa cháy hơn 420 ha rừng; hỗ trợ di dời hơn 10.200 người dân đến nơi trú tránh an toàn; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 328.000 lượt phương tiện/hơn 1,6 triệu lượt người tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết xấu trên biển. Không có phương tiện nào hoạt động trên biển bị ảnh hưởng, thiệt hại do không nhận được thông báo, cảnh báo của BĐBP.

Qua thực tiến công tác, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đề nghị các bộ ngành liên quá sớm rà soát, sửa đổi Thông tư 92 về mức chi trả ngày công tham gia TKCN của người dân.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đặt vấn đề hiện BĐBP đã tham mưu chính quyền thành lập được hơn 3.466 tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển. Các tổ tàu thuyền này hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên giúp nhau khi khai thác hải sản , thông báo kịp thời những vấn đề xảy ra trên biển cho BĐBP và chính quyền địa hương, trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển khi có tình huống và sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó, nên nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ tàu thuyền đoàn kết, tự nguyện tham gia cứu nạn trên biển.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đình Huy

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến cũng nêu vấn đề, hiện thiên tai, tai nạn tàu thuyền trên biển xảy ra nhiều. Trong khi tàu thuyền là tài sản lớn của ngư dân, khi gặp thiên tai, tai nạn, tàu chìm, người chết nhưng hiện chưa có cơ chế hỗ trợ đối tượng này. Trong khi đó, các hộ dân trên đất liền nếu bị thiên tai sẽ được chính quyền các cấp, đoàn thể chung tay hỗ trợ dựng lại nhà cửa khi bị sập đổ do thiên tai…, Do đó, cần có cơ chế chính sách giúp đỡ ngư dân bị thiệt hại do thiên tai khi làm ăn, sản xuất trên biển.

Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023 là năm đặc biệt không có cơn bão nào đổ vào Việt Nam nhưng chúng ta phải ứng phó với nhiều tình huống thiên tai khác như El Nino nhưng lại ngập cục bộ và nóng kỷ lục trong vài chục năm trở lại đây. Vì lý do đó, xâm nhập mặn và sạt lở diễn ra phức tạp.

Phó Thủ tướng đánh giá: “Trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình, chủ động trong triển khai biện pháp ứng phó với thiên tai; chất lượng dự báo khí tượng thủy văn có tiến bộ. Chúng ta đã chủ động trong nhiều việc như dự báo tình hình và triển khai biện pháp ứng phó giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; đồng thời đã điều chỉnh kịp thời cơ chế chính sách về PCTT, đặc biệt là hệ thống phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra những tồn tại và những việc cần lưu ý là nhận thức của người dân và một số cán bộ còn hạn chế, lơ là trước thiên tai; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng làm tốt; một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, không còn phù hợp; trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu thiên tai của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Trên cơ sở tình hình thực tế và nhận định xu hướng thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng chỉ ra 9 đầu việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN đảm bảo hiệu quả, nhanh hơn, mạnh hơn; Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về công tác PCTT; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ làm công tác PCTT bằng những hình thức mới và hiệu quả hơn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát , bổ sung kịch bản, kế hoạch PCTT hợp lý nhất;

Cùng với đó, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cần tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chuẩn xác nhất cỏ thể; Nâng cao năng lực điều hành PCTT của từng địa phương; Cố gắng huy động nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT, khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Thủ tướng mong các cơ quan quốc tế tăng cường trao đổi thông tin; hỗ trợ trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là công tác dự báo.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-khoang-11-13-con-bao-tren-bien-dong-trong-cuoi-nam-2024-post475716.html