Cơ hội gia tăng giá trị hạt gạo Việt

Giá lúa gạo hôm nay (26/5) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không biến động nhiều.

Giá gạo trong nước duy trì ổn định

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu là đi ngang. Theo TTXVN tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như: OM 18 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.500 – 7.600 đồng/kg, OM 5451 từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.8000 – 8.000 đồng/kg...

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 5, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy vụ Hè Thu 2024 được 982.000 ha/1,48 triệu ha kế hoạch.

Về thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 585 - 590 USD/tấn trong phiên 23/5, không đổi so với một tuần trước đó.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng nhẹ trong tuần này. Giá gạo Thái Lan vẫn áp sát mức đỉnh của ba tháng qua, một phần nhờ nhu cầu từ Indonesia khá vững.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 536-544 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 531 - 539 USD/tấn của tuần trước.

Đáng chú ý một thương nhân ở Mumbai cho biết nhu cầu từ các khách hàng châu Phi tăng nhẹ, do giá gạo Ấn Độ thấp hơn so với các nước khác.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 630 - 635 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức từ 632 - 640 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân dự báo giá gạo có thể giảm sau khi các khách hàng quay lưng với gạo Thái Lan vì giá cao và giá gạo sẽ biến động trong một thời gian nhất định khi thị trường chờ đợi nguồn cung mới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Abdus Shahid cho biết, sản lượng gạo của Bangladesh đã tăng hơn bốn lần trong 50 năm qua và không có tình trạng khan hiếm lương thực thiết yếu tại quốc gia này. Tuy nhiên, giá gạo tại Bangladesh vẫn ở mức cao bất chấp vụ mùa bội thu và dự trữ dồi dào.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn

Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo; trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, yếu tố thời tiết không thuận lợi, nguồn cung chưa dồi dào trong khi nhiều nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu để dự trữ. Bên cạnh đó, một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 3 của thế giới

Ấn Độ giữ vị trí số 1 các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (16,5 triệu tấn). Quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Ấn Độ và lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan (8,2 triệu tấn).

Theo Vietnam+, Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (7,6 triệu tấn). Với nền tảng vững chắc là đất nước phát triển từ nền văn minh lúa nước nên gạo vừa là nguồn lương thực chính vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Gạo chính là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam do đó không khó để Việt Nam trở thành quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Pakistan vẫn luôn duy trì hoạt động xuất khẩu gạo quốc tế và đứng thứ 4 các quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới (5 triệu tấn). Tiếp theo lần lượt là Mỹ (2,675 triệu tấn), Trung Quốc (2,2 triệu tấn), Campuchia (1,95 triệu tấn), Myanmar (1,8 triệu tấn), Brazil (1,3 triệu tấn) và Uruguay (950 nghìn tấn)

Dự báo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-hoi-gia-tang-gia-tri-hat-gao-viet-a665337.html