Chuyện người vận chuyển rau củ đến các bếp ăn từ thiện khắp miền Tây

Mỗi ngày ông Vui chạy xe máy hàng trăm cây số, chở theo hàng trăm kilogram rau củ từ Vĩnh Long đi các tỉnh miền Tây đến những bếp ăn từ thiện chuyên phục vụ cho những bệnh viện.

"Cần rau củ, để tôi lo"!

Gần 5 năm qua, ông Nguyễn Văn Vui (57 tuổi) ngụ xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long dồn hết tâm trí vào công việc chở rau xanh đến các bếp ăn từ thiện ở nhiều tỉnh, thành miền Tây.

Dù trời nắng to hay mưa nhiều, chiếc xe máy của ông vẫn băng băng trên đường với hàng trăm ký rau xanh các loại.

Ông vui chở hơn 200kg rau củ các loại từ Vĩnh Long qua Cần Thơ, cung cấp miễn phí cho một bếp ăn từ thiện.

Ông vui chở hơn 200kg rau củ các loại từ Vĩnh Long qua Cần Thơ, cung cấp miễn phí cho một bếp ăn từ thiện.

PV Báo Giao thông hẹn ông một buổi chiều giữa tháng 11. Đúng 17h, chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh các loại khổ qua, cà, củ cải, đậu đũa... ước chừng hơn 200kg đổ dốc cầu Cần Thơ, về hướng trung tâm thành phố.

Ông Vui dừng xe ven đường, uống vội hớp nước để tiếp tục hành trình. Nét hồn hậu, chất phác của một lão nông miền Tây hiện rõ trên gương mặt rám nắng.

Số rau xanh này và cả công sức vận chuyển của ông Vui, đều miễn phí. Ông làm điều này một cách tự nguyện và vui vẻ, thậm chí rất vui.

"Tối về ngủ ngon lắm chú ơi. Ở đâu cần rau xanh để nấu cơm từ thiện, để tôi lo", ông nói.

Ông Vui vốn là nông dân, chuyên trồng khoai lang ở vùng chuyên canh của huyện Bình Tân. Từ nhiều năm trước dù công việc nhà nông bề bộn, ông vẫn dành thời gian để làm từ thiện.

"Lúc trước tôi hay chở thuốc nam cho một số phòng khám Đông y ở gần trong tỉnh Vĩnh Long. Đợt dịch Covid-19 là thời điểm tôi hoạt động mạnh nhất, mỗi ngày chở hàng trăm kg thuốc đến các vùng "đỏ", "cam", ông Vui nhớ lại.

Cũng thời gian này, ông còn cùng bà con trong vùng thay nhau thu hoạch rau củ quả cung cấp cho một số điểm cấp phát từ thiện.

Hết dịch, ông trở thành người vận chuyển rau xanh cung cấp cho các bệnh viện, bếp ăn từ thiện để nấu cơm cho người nghèo. Không chỉ ở địa phương mà tiếng lành đồn xa, ông còn chở rau đi khắp miền Tây.

"Số rau xanh này là người dân trong huyện biết tôi chở rau cho mấy bếp ăn từ thiện nên họ cho. Có người đem tới tận nhà, cũng có người gọi điện cho tôi tới lấy. Toàn là rau củ chất lượng, mùa nào có loại rau đó", ông Vui cho biết.

Chuyến xe chở rau củ "cập bến" bếp ăn từ thiện ở Cần Thơ.

Chuyến xe chở rau củ "cập bến" bếp ăn từ thiện ở Cần Thơ.

Không chỉ riêng ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, xe rau của ông Vui thường xuyên "cập bến", những bếp ăn, bệnh viện ở Cần Thơ, thi thoảng ở tận Sóc Trăng, Cà Mau... Đường ngắn thì ông chở bằng xe máy, xa thì ông nhờ người có xe tải, cùng có chí hướng làm từ thiện hỗ trợ.

"Ở tận Cà Mau thì tôi thường chở qua Cần Thơ rồi gửi xe tải. Lúc đầu người ta còn lấy phí, sau này biết tôi gửi ra cho từ thiện, họ không lấy tiền nữa. Chỉ cần tôi gọi điện, họ sẽ chờ chở rau đi. Việc làm tốt được lan tỏa", ông xúc động.

Vợ chồng đồng lòng, con cái ủng hộ

Ông Vui kể rằng, việc thiện nguyện ông làm xuyên suốt mấy năm qua được thuận lợi là nhờ có vợ và hai con ủng hộ. Từ khi hai con trưởng thành và có gia đình, hai vợ chồng ông quyết định gác việc đồng ruộng, cho thuê đất để chuyên tâm làm thiện nguyện.

"Hai vợ chồng tôi ăn uống bao nhiêu đâu, tiền cho thuê mấy công đất rồi con cái cho cũng đủ. Tôi và vợ tập trung hết cho mấy mối rau củ để làm từ thiện", ông kể.

Hai người con của ông, lúc đầu phản đối kịch liệt, nhất là khi ông "xông" vào vùng dịch bệnh. Nhưng thấy thái độ cha mẹ quyết liệt, các con không cản được phải quay sang ủng hộ cho cha mẹ yên tâm.

Ông Mạch Phú Cường (bên trái) Tổ trưởng Tổ cơm chay miễn phí Hoa Sen trò chuyện với ông Vui.

Ông Mạch Phú Cường (bên trái) Tổ trưởng Tổ cơm chay miễn phí Hoa Sen trò chuyện với ông Vui.

Hàng ngày, vợ chồng ông Vui bắt đầu công việc từ mờ sáng. Ông đi chở rau ở các ruộng về nhà, còn vợ thì cẩn thận sắp xếp lại từng món vào bọc, chờ ông về chuyển đi. Công việc chỉ dừng lại khi ông về nhà vào lúc trời tối mịt.

"Nhờ trời sức khỏe tôi còn tốt, mắt còn sáng nên đi đêm hôm cũng không ngại vấn đề gì", ông chia sẻ

Ông Vui kể, mỗi ngày chiếc xe 100 phân khối của ông "ngốn" hơn 100.000 đồng tiền xăng. Đây là chiếc xe thứ hai ông sử dụng trong gần 5 năm qua.

Lúc dịch bệnh, khi ông đang chở hơn trăm kg thuốc nam vào vùng đỏ, còn cách điểm đến chỉ vài chục mét thì chiếc xe máy gãy ngang sườn vì "chinh chiến" lâu năm.

"Tới lượt chiếc xe này tôi cưng nó lắm, bảo dưỡng định kỳ cho nó khỏe để còn đi chở rau với tôi", ông cười nói.

Ông Mạch Phú Cường (63 tuổi), Tổ trưởng Tổ cơm chay miễn phí ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết, mỗi chiều thứ 7, ông Vui chở đến nhà ông hơn 200kg rau củ các loại.

Rau củ đủ loại tập trung ở bếp cơm chay miễn phí Hoa Sen.

Rau củ đủ loại tập trung ở bếp cơm chay miễn phí Hoa Sen.

Số rau này để phục vụ 800-900 suất cơm chay miễn phí vào hai ngày thứ 2, 3 ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

"Khoảng 10 chị em trong tổ chuẩn bị rồi nấu nướng mất một ngày mới hoàn thành gần 1000 suất cơm. Nấu xong, xe tải sẽ chở qua bệnh viện để phát cho bà con ở đây", ông Cường nói và cho biết, những ngày còn lại trong tuần sẽ có những tổ nấu cơm khác phục vụ bà con.

Cũng như ông Vui, ông Cường và vợ đồng lòng làm việc thiện nguyện nhiều năm qua. Khởi điểm chỉ từ câu chuyện ông đi nuôi bệnh mẹ già. Thấy bệnh nhân, người già nằm trường kỳ ở bệnh viện, ăn uống tằn tiện, ông động lòng trắc ẩn.

"Tôi bàn với vợ vận động thêm người quen, thành lập tổ nấu cơm chay từ thiện. Gạo thì bệnh viện cấp một tháng 400kg rồi, rau thì có chú Vui chở qua, chúng tôi bỏ công sức, mắm muối và những phần thức ăn còn lại. Thiếu tới đâu thì mình vận động, không được thì mình bỏ tiền túi", ông Cường kể.

Đối với ông Vui, ông Cường, một suất cơm chay tươm tất cho đi, đổi lại là nụ cười của những người gặp khó khăn đã là phần thưởng xứng đáng.

Đây cũng là động lực để các ông tiếp tục công việc thiện nguyện, lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp đi xa.

Ông Vui cho biết, chỉ một số lần cần phải chở nhiều rau củ (khoảng 200kg) còn lại, lượng rau củ ông chở khoảng 150-170kg.

"Những lần chở nhiều tôi biết hàng hóa của mình có vượt quá kích thước quy định một chút, nhưng đó chủ yếu là những đoạn đường ngắn. Xe tôi cũng trang bị giá đựng hàng, ràng cột cẩn thận. Khi chạy xe tôi chạy đúng tốc độ, đảm bảo an toàn giao thông cho mình và người đi đường", ông Vui chia sẻ.

Một cán bộ Đội CSGT Công an thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo quy định, tính cả trọng lượng bản thân xe máy và hàng hóa không quá 400kg. Bề rộng giá đèo hàng mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-nguoi-van-chuyen-rau-cu-den-cac-bep-an-tu-thien-khap-mien-tay-192241120124528456.htm