Chuyển hóa thành công địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội
13/13 địa bàn thuộc tỉnh Quảng Trị được lựa chọn thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội từ năm 2017 đến nay đã cơ bản được chuyển hóa thành công. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an, qua đó đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Năm 2018, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù là xã thuần nông của huyện Triệu Phong nhưng tình trạng trộm cắp tài sản, cướp giật, tệ nạn ma túy, gây rối trật tự công cộng thường xuyên xảy ra. Đáng chú ý là tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh ngày càng gia tăng. Thực hiện việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, Ban chỉ đạo 138-1523 xã Triệu Giang, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an xã đã được kiện toàn, tích cực tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định các tụ điểm, khu dân cư phức tạp, soát xét các vụ việc nổi lên trên địa bàn để tìm ra hướng giải quyết thích hợp; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, xây dựng các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Qua hơn 1 năm thực hiện chuyển hóa địa bàn, tình hình an ninh trật tự tại xã Triệu Giang đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự được giải quyết dứt điểm, kịp thời, từng bước kiềm chế phát sinh các loại tội phạm, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở được củng cố và phát huy hiệu quả.
Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020 nằm trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả đề án, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến địa phương, nhất là tại các xã, phường, thị trấn được lựa chọn chuyển hóa. 100% các xã, phường được lựa chọn chuyển hóa đã thành lập các Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm. Các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân trên địa bàn được củng cố, kiện toàn, huy động sức mạnh toàn dân vào nhiệm vụ đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, Ban chỉ đạo 138 các cấp luôn chú trọng đến công tác phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như thông qua hệ thống tờ rơi, pa nô, áp phích, tuyên truyền trực tiếp trong Nhân dân, qua hệ thống loa truyền thanh các khu phố, ban chỉ đạo các cấp đã tổ chức 194 lượt truyên truyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 153 điểm khu dân cư với sự tham gia của trên 20.000 lượt người; tổ chức gần 1.400 lượt ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh trật tự cho hơn 12.000 hộ kinh doanh và hơn 9.000 cá nhân. Đồng thời rà soát, củng cố các hòm thư tố giác tội phạm được đặt ở các khu phố, thôn, xóm, trụ sở Công an, các khu vực công cộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tố giác tội phạm và tình hình liên quan đến an ninh trật tự.
Công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến về an ninh trật tự luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Trong thời gian thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn đã xây dựng mới 7 mô hình. Thông qua các mô hình này, ý thức của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được nâng cao. Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đã phát huy cao vai trò trách nhiệm trong việc tham gia quản lý đối tượng lầm lỗi, người đặc xá tha tù trở về địa phương, số có nguy cơ phạm tội cao. Từ năm 2017 đến nay đã tiến hành giúp đỡ tiến bộ 77 đối tượng, tái hòa nhập cộng đồng 74 đối tượng.
Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự được chú trọng đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Lực lượng Công an các cấp đã tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, tra cứu, xác minh thông tin về đối tượng. Công tác quản lý cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được đẩy mạnh, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú, các cơ sở kinh doanh karaoke, dịch vụ cầm đồ; đã tiến hành 56 lượt kiểm tra tại 111 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phát hiện 2 cơ sở vi phạm.
Tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa, lực lượng Công an đã thực hiện các biện pháp cụ thể như tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, chủ động ngăn chặn, đấu tranh triệt phá các tụ điểm phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy và tệ nạn xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự. Qua đó đã phát hiện, điều tra làm rõ 42 vụ, phát hiện 65 đối tượng có hành vi phạm tội về trật tự xã hội, bắt giữ 16 vụ với 21 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện và xử lý 3 vụ với 5 đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng hóa trái phép...
Có thể khẳng định công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được thực hiện có hiệu quả là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương phát triển, Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=154124