Chuyên gia y tế: Sau giai đoạn bão lũ nhiều bệnh lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh mạn tính có thể tăng cao
Hưởng ứng Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3, nhiều người hào hứng đăng ký để được tư vấn dinh dưỡng sức khỏe.
Sáng 21/9 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), rất nhiều người dân xếp hàng chờ được thăm khám bệnh tại các gian hàng tư vấn sức khỏe trong khuôn khổ chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 3 do Bộ Y tế tổ chức.
Trước khi phát biểu chỉ đạo chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã thay mặt Bộ Y tế chia sẻ với những mất mát, thiệt hại về người và tài sản của đồng bào miền Bắc trong cơn bão số 3.
“Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 10/9, Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ người dân, đoàn viên lao động ngành y tế bị thiệt hại do bão số 3.
Các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế đã có mặt tại những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về người và của, trực tiếp thăm hỏi, tặng quà, động viên đồng bào, trực tiếp chỉ đạo công tác y tế sau mưa lũ, ngăn ngừa dịch bệnh, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sinh kế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục chung tay ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả của bão lũ.
Có mặt tại buổi tư vấn, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, tại các gian hàng tư vấn sức khỏe trong khuôn khổ chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 3, ông đã khám cho khoảng 50 người trong đỏ chủ yếu là người trung và lớn tuổi, trẻ em.
Đối với người lớn, các bệnh lý ghi nhận nhiều sáng nay là tiểu đường, huyết áp, thừa cân và xương khớp. Còn trẻ em khám và tư vấn về béo phì. Vì thế các đối tượng này đều được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn các chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm kiểm soát bệnh.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cũng nhấn mạnh, sau giai đoạn bão lũ nhiều bệnh lý về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các bệnh mạn tính có thể tăng cao.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, bệnh về an toàn thực phẩm có thể xảy ra như nhiễm trùng và rối loạn đường tiêu hóa, nguy cơ suy dinh dưỡng. Bởi lúc này, nguồn nước sạch chưa ổn định, thực phẩm chưa được đầy đủ hoặc chưa đảm bảo an toàn, bảo quản đồ ăn được cứu trợ chưa đúng dẫn đến hư hỏng. Đáng lo nhất là phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh như tiểu đường… chưa được cung cấp dinh dưỡng đủ và đúng.
Còn các bệnh mạn tính có thể tăng xuất phát từ việc nguồn cung thuốc điều trị đứt gãy, dẫn đến bệnh lý tăng nặng.
Theo các chuyên gia, việc đảm bảo an toàn thực phẩm sau lũ cần được chú trọng. Các thực phẩm hư hỏng nên loại bỏ để tránh sinh bệnh. Đồ cứu trợ cần sử dụng hợp lý và cân đối. Xử lý nguồn nước theo đúng chỉ dẫn của các nhân viên y tế.
Cũng trong sáng nay, trưởng Ban tổ chức, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống Trần Tuấn Linh cho biết, chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3 hưởng ứng chủ đề “Tuổi trẻ Thủ đô - Khỏe để bảo vệ Tổ quốc”, tiến tới Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10), có 2 phần chính là thi trắc nghiệm kiến thức và thi vận động trên sân khấu.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng bố trí 10 gian tư vấn để các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thăm khám, tư vấn miễn phí cho người dân đến tham quan.