Chuyên gia cảnh báo 7 'KHÔNG' giúp sinh viên nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua thẻ ngân hàng
Bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm, Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB cảnh báo 07 'KHÔNG' giúp sinh viên nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua thẻ ngân hàng.
Trong chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 với chủ đề “Đồng tiền thông thái” dành cho tân sinh viên và sinh viên đang theo học tại các trường đại học, học viện và cao đẳng khu vực Hà Nội, Tọa đàm với chủ đề “Giáo dục tài chính cho sinh viên” đã được tổ chức chiều ngày 2/10 tại Học viện Ngân hàng.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, ngân hàng trung ương các nước rất quan tâm đến vấn đề giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hành vi, thói quen của người sử dụng dịch vụ tài chính, tạo thành cộng đồng tài chính tốt đẹp.
Dẫu vậy, bà Anna Szalwicki, Đại diện Quỹ hợp tác Quốc tế các ngân hàng tiết kiệm Đức, Phó điều phối viên khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, rất khó để tìm được hình thức truyền thông giáo dục tài chính phù hợp với tất cả mọi người”.
Được biết, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng.
Nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính là để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen. Để thực hiện hiệu quả, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần đánh giá thực trạng trên cơ sở khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp với mục tiêu rõ ràng, tính khả thi và lượng hóa được kết quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN.
“Ở Việt Nam, để thực hiện Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cần phải nâng cao nhận thức hành vi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính ở Việt Nam và đặc biệt là giới trẻ”, bà Sen chia sẻ.
Do vậy, Tọa đàm với chủ đề “Giáo dục tài chính cho sinh viên” đã được thực hiện nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng, hiểu về giá trị của đồng tiền, đồng thời, đó là lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Là một trong những diễn giả tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm, Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB bắt đầu bằng những khái niệm cơ bản như thanh toán không dùng tiền mặt là gì? Hay thống kê một số thủ đoạn lừa đảo đang phổ biến và đặc biệt, cảnh báo 07 “KHÔNG” giúp sinh viên nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua thẻ ngân hàng.
Cụ thể, Không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng… Không truy cập/nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang web/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng.
Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link. Không cài các ứng dụng thử nghiệm của Apple. Không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại. Không cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử: Mật khẩu đăng nhập, Mã xác thực (OTP, QR); thông tin về tài khoản, thẻ, cho bất kỳ ai; Không bẻ khóa (root, jailbreak) điện thoại.
PGS.TS Phạm Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện, phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, nhận thức rất rõ về nhiệm vụ truyền thông giáo dục tài chính, theo đó, triển khai rất nhiều hoạt động giáo dục tài chính. Ví dụ, tân sinh viên khi nhập trường, trong tuần giáo dục công dân sẽ có buổi hướng dẫn chung các kiến thức về tài chính, đó là chưa kể các chuỗi sự kiện về giáo dục tài chính dành cho sinh viên.
“Đây là những ngày đầu chập chững của tân sinh viên khi bước chân vào Nhà trường, nhưng trong quá trình học tập sau này, ngoài những môn chuyên ngành về tài chính - ngân hàng, Nhà trường đều đưa những kiến thức tài chính cơ bản vào giảng dạy sinh viên”, bà Hoàng Anh nói.
Về nỗ lực đến từ cơ quan quản lý, bà Anna Szalwicki cho biết, thời gian qua, NHNN đã thực hiện đa dạng hóa hình thức các chương trình, nhờ đó, tối đa hóa số lượng người được tiếp cận các kiến thức ngân hàng tài chính. Và việc duy trì thực hiện các hoạt động này cũng mang lại nhiều giá trị hữu ích cho công chúng. “Tôi thấy, NHNN đang triển khai rất tốt các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính”, bà Anna Szalwicki nói
Cũng theo bà Anna Szalwicki, cuốn sách “Khéo khôn với tiền-Tránh những ưu phiền” của bà Lê Thị Thúy Sen là một ví dụ tuyệt vời của một hình thức giáo dục tài chính tốt. Truyện thể hiện bằng tranh đã làm cho cuốn sách thực sự trở nên dễ đọc và thú vị. Học về tài chính một cách tự nhiên, tình cờ mà không hề cảm thấy nó khô khan, nặng nề và hàn lâm.
“Cuốn sách thực sự thu hút được nhiều người và đó chính xác là điều mà tất cả chúng ta đều muốn đạt được. Đó là, chúng ta muốn giáo dục tài chính và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận tài chính”, Anna Szalwicki nhấn mạnh.