Chuyển động phức tạp của kinh tế toàn cầu
Kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi đáng chú ý. Các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Nga, Bra-xin... vốn được coi là 'động lực' tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đang tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản vốn trì trệ, suy thoái kéo dài, nay đã chuyển biến tích cực và giới phân tích nhận định, động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới đang dịch chuyển về phía các nền kinh tế phát triển.
Sau cuộc khủng hoàng tài chính - kinh tế toàn cầu nổ ra từ năm 2008, trật tự kinh tế thế giới đã có những thay đổi lớn. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ chao đảo trong "bão" nợ; kinh tế châu Âu "hôn mê sâu" với hơn sáu quý liên tiếp suy thoái; kinh tế Nhật Bản vừa suy thoái, vừa lâm vào giảm phát kéo dài..., thì các nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS như Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ, Bra-xin và Nam Phi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao và trở thành "động lực" tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới đã có những thay đổi cơ bản, nhất là từ quý 2 năm nay.
Sau một thời kỳ dài ngập chìm trong khủng hoảng, giờ đây, "sóng gió" đã qua đi với các nền kinh tế phát triển. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo cuối tháng 8 vừa cho biết, các nền kinh tế phát triển tiếp tục đi lên trong quý 2, với nhịp độ tăng trưởng đạt 0,5% sau khi đã tăng 0,3% trong quý I, chủ yếu nhờ kinh tế Mỹ, Ðức và Anh tăng trưởng mạnh hơn, trong khi kinh tế Pháp đã bật dậy. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng kinh tế của các nước thành viên OECD tăng 0,9%.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP quý 2 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,7%, cao hơn dự báo 1,1% của giới phân tích. Kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) cũng đã thoát khỏi suy thoái với GDP trong quý 2 vừa qua tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Eurozone trong tháng 8-2013 đã tăng lên 51,7 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6-2001. Những số liệu thống kê khác cũng đã cho thấy sự hồi phục kinh tế của Nhật Bản khi những "mũi tên" trong chính sách cải cách mạnh mẽ đã giúp "đất nước mặt trời mọc" ra khỏi suy thoái kinh tế từ quý I năm nay. Theo đó, nền kinh tế này tăng trưởng 3,8% trong quý I và 2,6% trong quý II vừa qua.
Tuy nhiên, trong khi "bình minh đang ló rạng" ở các nền kinh tế phát triển, thì ngược lại, "mây đen u ám" lại đang bao phủ các nền kinh tế mới nổi. Những ngày gần đây, câu chuyện "Trung Quốc hắt hơi, kinh tế toàn cầu sổ mũi" đã được bàn luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Vốn được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế thế giới những năm qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện đang đối mặt nhiều khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng suy giảm, nợ xấu ở mức báo động... Các chuyên gia dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 có thể đạt mức thấp nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Một nền kinh tế mới nổi khác là Nga, cũng đối mặt nhiều khó khăn, khi quý 2 vừa qua, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chỉ đạt 1,2%. Các nhà phân tích cảnh báo, kinh tế "xứ Bạch Dương" có thể rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm nay, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Nga xuống còn 2,5% trong năm nay và 3,25% năm 2014. Tại Ấn Ðộ, thị trường tài chính tiếp tục đối mặt với sự bất ổn, khi đồng ru-pi giảm giá kỷ lục, bất chấp các biện pháp "giải cứu" của Ngân hàng trung ương nước này. Tại các nền kinh tế mới nổi khác trong nhóm BRICS như Bra-xin, Nam Phi, cũng như một số nền kinh tế vốn năng động khác của Nam Mỹ, ASEAN, nguy cơ suy giảm tăng trưởng và các khó khăn kinh tế cũng đã gia tăng.
Các nhà phân tích cảnh báo, tình trạng "nhức đầu, sổ mũi" của các nền kinh tế đang nổi có nguy cơ lan rộng. Kinh tế Trung Quốc yếu đi và những biến động kinh tế ở Ấn Ðộ đang ảnh hưởng các nền kinh tế láng giềng. "Công thức" đáng buồn: thâm hụt tài khoản vãng lai cao kỷ lục, đồng tiền yếu đi, lạm phát nhảy vọt, thị trường chứng khoán tuột dốc, từ Ấn Ðộ đã "lây lan" sang một số nền kinh tế Ðông - Nam Á, rõ nhất là ở In-đô-nê-xi-a. Nước này đối mặt thâm hụt tài khoản vãng lai trong suốt bảy quý vừa qua và giữa tháng 8, thâm hụt đã chạm mức 9,8 tỷ USD, tương đương 4,4% GDP trong nước. "Tin xấu" cũng đã xuất hiện cả ở Băng-cốc khi các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy, so với ba tháng đầu năm, trong quý 2, GDP của Thái-lan đã "co lại" 0,3%...
Trong bối cảnh "tranh tối tranh sáng" của kinh tế toàn cầu nêu trên, nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới trong nửa cuối năm nay sẽ vẫn trong thế "giằng co" giữa các yếu tố có lợi và bất lợi; giữa phục hồi, tăng trưởng và suy giảm. Dù các nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản đã "qua cơn bĩ cực"; khu vực Eurozone đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm", song hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn còn dai dẳng và những khó khăn, thách thức mới đang xuất hiện nhiều hơn ở các nền kinh tế mới nổi. Ðây là lý do khiến IMF mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013 xuống còn 3,1%, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng 4. Thực tế nêu trên cho thấy, kinh tế toàn cầu đang có những chuyển động mới mạnh mẽ và liệu một cuộc "đổi ngôi" giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi có tiếp tục diễn ra hay không phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của các biện pháp đối phó với những thách thức mới của chính phủ các nước.
THĂNG LONG
Theo
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/21065202-.html